Đức Phật thâu phục tên sát nhân hung tợn Angulimala trong hạ thứ hai mươi. Lúc nhỏ ông này tên Ahimsaka (người vô tội). Cha ông là quốc sư của vua xứ Kosala. Ông ăn học ở Taxila, một trung tâm giáo dục trứ danh thời xưa, và trở thành vị đệ tử lỗi lạc và thân tín nhất của một ông thầy rất danh tiếng. Bất hạnh thay, vì thế mà bạn bè ông nảy sanh lòng ganh tị, bày điều gièm xiểm và thành công đầu độc tư tưởng của thầy. Ông này tin lời, lấy làm tức giận, và không kịp nghĩ suy hay dò xét, mưu hại Ahimsaka bằng cách truyền lệnh cho ông này phải đem đến một ngàn ngón tay người, ngón út ở bàn tay mặt, dâng lên ông để làm lễ thọ giáo. Mặc dầu không vui, Ahimsaka gượng gạo vâng lời thầy, đi vào rừng Jalini, tại Kosala, và bắt đầu chuỗi dài những cuộc sát nhân ghê tởm, để chặt lấy ngón tay. Ban đầu ông xỏ xâu các ngón tay lại, treo lên cành cây. Nhưng vì kên kên và quạ đến ăn nên ông đeo trên cổ như một tràng hoa làm bằng ngón tay người, giữ cho khỏi bị mất và để dành cho đủ số cần thiết. Do đó có tên "Angulimala", có nghĩa là "tràng hoa kết bằng ngón tay".
Kinh sách [12] ghi rằng khi ông để dành được chín trăm chín mươi chín ngón thì Đức Phật xuất hiện. Nhìn thấy Đức Phật, Angulimala mừng lắm, nghĩ rằng đây là cơ hội để ông hoàn tất sứ mạng.
Ông liền rảo bước thẳng tới Đức Phật, tay rút gươm ra khỏi vỏ.
Đức Phật dùng thần thông tạo những trở ngại làm cho Angulimala chạy theo không kịp, dầu cố hết sức rượt bắt. Mệt mỏi hết sức, mồ hôi nhễ nhại, ông dừng chân lại và cất tiếng gọi: "Hãy dừng lại, ông sa môn".
Đức Thế Tôn từ tốn đáp:
"Mặc dầu Như Lai đi, Như Lai đã dừng bước. Còn con, Angulimala, hãy dừng bước."
Tên sát nhân suy nghĩ: "Các vị sa môn này luôn luôn nói thật. Vị này nói rằng ông ta đã dừng bước, còn ta thì không dừng. Thế là nghĩa làm sao?"
Angulimala liền hỏi thêm: "Này Ông Sa Môn. Ông còn đi, chính tôi đã dừng. Ông lại nói rằng tôi không dừng còn ông thì đã dừng. Xin hỏi, này Ông Sa Môn, lời nói của ông có ý nghĩa gì?"
Đức Phật dịu dàng đáp: "Đúng vậy, Angulimala, Như Lai đã dừng bước, dừng luôn, mãi mãi. Như Lai đã từ khước, dứt bỏ, không còn hành hung hay gây tổn thương cho một sanh vật nào. Còn chính con không giữ lại bàn tay đẫm máu, vẫn sát hại đồng loại. Vậy, Như Lai đã dừng, còn con thì vẫn tiếp tục."
Đến đây nghiệp tốt của Angulimala mau chóng trồi lên mặt. Ông nghĩ rằng vị sa môn này chắc không phải ai khác hơn là Đức Phật Gotama (Cồ Đàm), quang lâm đến đây vì lòng bi mẫn, muốn tế độ mình. Nghĩ vậy, ông liền vứt đi tất cả võ khí, rồi đến gần Đức Phật, đảnh lễ Ngài và xin quy y. Về sau Đức Phật chấp nhận ông vào Giáo Hội Tăng Già Cao Thượng bằng cách thốt ra lời: "Ehi Bhikkhu!" "Hãy đến đây Tỳ Khưu!"
Tin Angulimala xuất gia tỳ khưu với Đức Phật được truyền rộng ra khắp xứ. Riêng Vua Kosala cảm thấy nhẹ nhàng như thoát khỏi nạn, vì Angulimala quả thật là một đại họa cho dân chúng trong xứ.
Nhưng tâm của Tỳ khưu Angulimala vẫn không an tĩnh bởi vì luôn luôn Ngài tưởng nhớ đến dĩ vãng tội lỗi của mình và những tiếng kêu la than khóc của các nạn nhân. Chí đến những lúc một mình hành thiền ở nơi vắng vẻ cũng không quên được. Ngày kia, khi đi trì bình ngoài đường, ngài bị người ta dùng gậy gộc đánh đập và chọi đá vào mình, phải đi về chùa với đầu cổ đầy thương tích, máu chảy dầm dề, mình mẩy chỗ bị bầm dập, nơi bị cắt đứt, một cơ hội để Đức Phật nhắc lại rằng đó là hậu quả bất thiện của những hành vi hung bạo của ngài trong quá khứ.
Ngày nọ, lúc đi bát, Tỳ Khưu Angulimala thấy một người phụ nữ sắp lâm bồn đang gặp khó khăn, rên xiết bên đường. Động lòng bi mẫn, Ngài đem câu chuyện đau thương ấy bạch lại với Đức Phật. Đức Phật khuyên Ngài hãy quày trở lại, đọc những lời xác nhận sau đây - những câu này vẫn còn được lưu truyền đến nay dưới tựa đề Angulimala Paritta:
"Này Đạo Hữu, từ ngày được sanh vào Thánh tộc (nghĩa là từ ngày tôi xuất gia), tôi chưa hề cố ý tiêu diệt đời sống của một sinh vật nào. Do lời chân thật này, ước mong cô được vuông tròn và con của cô bình an vô sự."
Ngài Angulimala học thuộc lòng bài kinh, rồi đi đến nơi, ngồi cách người phụ nữ một bức màn, đọc lại. Người mẹ đau khổ liền sanh được dễ dàng. Đến nay bài kinh Paritta [13] này vẫn còn công hiệu.
Về sau, vào đúng thời kỳ, Đại Đức Angulimala đắc Quả A La Hán. Khi nhắc đến đường lối Đức Phật cảm hóa Ngài, Đại Đức Angulimala nói:
"Có những sanh vật bị khắc phục bằng võ lực,
Bằng cù móc hay roi vọt.
Nhưng ta đây, được thuần hóa do một nhân vật
Không cần đến gậy gộc, cũng không dùng gươm đao [14]