16-5-2011
(tiếp theo)
Đức Phật và Đức Ananda
Ananda là con của ông Hoàng Amitodana, một người em của Vua Suddhodana (Tịnh Phạn). Như vậy Ananda là em chú bác của Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta). Sự ra đời của Ngài là một đại hạnh cho hoàng tộc, vì lẽ đó, tên Ngài là Ananda.
Hai năm sau khi Đức Phật Thành Đạo, Hoàng Thân Ananda xuất gia cùng với năm vị quý phái khác của dòng Sakya (Thích Ca) là Anuruddha, Bhaddiya, Kimbila và Devadatta. Không bao lâu sau khi nghe một thời Pháp của Đại Đức Punna Mantaniputta, Ngài đắc Quả Tu Đà Hườn (Sotapatti, Nhập Lưu), tầng đầu tiên trong tứ thánh.
Khi Đức Phật được năm mươi lăm tuổi thì Đại Đức Ananda trở thành vị thị giả chánh.
Trong khoảng hai mươi năm sau khi Đức Phật Thành Đạo, Ngài không có chọn ai làm người hầu cận thường trực. Một vài vị tạm thời hầu Đức Phật, nhưng tỏ ra không được chuyên cần và phẩm hạnh không đúng mực thanh cao. Ngày kia, tại Jetavana (Kỳ Viên Tịnh Xá), Đức Phật gọi các đệ tử đến và dạy:
"Giờ đây Như Lai đã lớn tuổi, này các Tỳ Khưu, lắm khi Như Lai nói: Ta hãy đi lối này, thì có người lại đi lối kia. Cũng có người đánh rơi y, bát của Như Lai. Vậy các Thầy hãy chọn một người để thường xuyên hầu cận Như Lai." [3]
Từ Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) trở xuống, hầu hết các vị Tỳ Khưu đều xin được phục vụ Đức Phật, nhưng Ngài khước từ tất cả. Lúc ấy Đại Đức Ananda ngồi im lặng một bên. Các vị khác khuyên Ngài xin, và Ngài quỳ lên xin được phục vụ Đức Phật với tám điều kiện:
1.- Đức Phật không ban cho Ngài (Ananda) những bộ y mà thiện tín dâng đến Đức Phật
2.- Đức Phật không ban cho Ngài những vật tực do thiện tín dâng đến Đức Phật.
3.- Đức Phật không cho phép Ngài cùng ở chung trong một tịnh thất với Đức Phật.
4.- Đức Phật không cho phép Ngài cùng đi với Đức Phật đến nơi mà thí chủ chỉ thỉnh Đức Phật.
5.- Đức Phật sẽ hoan hỷ cùng đi với Ngài (Ananda) đến nơi nào có một thí chủ thỉnh Ngài (Ananda) đến.
6.- Đức Phật sẽ hoan hỷ cho phép Ngài được tiến dẫn những vị khách từ phương xa đến yết kiến Đức Phật.
7.- Đức Phật sẽ hoan hỷ cho phép Ngài đến bạch Đức Phật một khi có điều hoài nghi phát sanh.
8.- Đức Phật sẽ hoan hỷ lặp lại thời Pháp mà Đức Phật giảng lúc không có mặt Ngài tại đó.
Đức Phật chấp thuận tám điều thỉnh cầu, bốn có tính cách tiêu cực và bốn có tính cách tích cực, của Đại Đức Ananda và kể từ đấy, Đại Đức Ananda trở nên vị thị giả, hầu cận thường xuyên Đức Phật đến giờ phút cuối cùng, trong suốt hai mươi lăm năm trường.
Như bóng theo hình, Ngài theo Đức Phật đi khắp mọi nơi, rất chuyên cần chăm sóc mọi nhu cầu của Đức Phật với mọi lòng kính mến và quý trọng. Đêm như ngày, lúc nào Ngài cũng sẵn sàng để phụng sự Đức Phật.
Kinh sách ghi rằng đêm đêm Đại Đức Ananda tay cầm gậy, tay cầm đuốc đi quanh tịnh thất của Đức Phật chín lần để giữ mình khỏi ngủ quên và để Đức Phật khỏi bị quấy rầy.
Cây bồ đề Ananda
Cây Bồ Đề mang tên là Ananda vì chính Ngài đã trồng nó.
Lúc bấy giờ, thiện tín đến hầu Đức Phật thường mang theo bông hoa hay những tràng bông để cúng dường. Trong những lúc Đức Phật đi vắng thì thiện tín đặt những thứ hoa ấy trước cửa tịnh thất Ngài rồi ra về. Trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) thấy vậy thỉnh cầu Đại Đức Ananda bạch với Đức Phật xem có nơi nào khác để thiện tín có thể đến lễ bái cúng dường trong lúc Đức Phật mắc bận châu du hoằng Pháp, không có mặt ở chùa.
Đại Đức Ananda vào hầu Đức Phật và bạch:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, có bao nhiêu bảo vật để chúng sanh lễ bái cúng dường (Cetiyani)? Xin Ngài hoan hỷ giải thích."
- Này Ananda, có tất cả ba. Đó là: Những vật để chúng sanh lễ bái cúng dường có liên quan đến thân (Sarikira) [4], những vật liên quan đến đồ dùng riêng (Paribhogika), và những vật để tưởng niệm Đức Phật (Uddesika).
- Bạch hóa Đức Thế Tôn, trong lúc Ngài còn tại tiền, có nên xây dựng tháp thờ Ngài không?
- Không, vật để chúng sanh lễ bái cúng dường có liên quan đến thân chỉ nên được kiến tạo sau khi Như Lai nhập diệt. Vật lễ bái cúng dường để tưởng niệm Đức Phật hoàn toàn thuộc về tinh thần, những vật kỷ niệm ấy chỉ là những vật tượng trưng, không có một căn bản vật chất. Nhưng cây Bồ Đề to lớn mà xưa kia đã có lần che mưa đỡ nắng cho Như Lai là vật để chúng sanh lễ bái cúng dường, dầu Phật còn tại thế hay đã nhập diệt.
- Bạch hóa Đức Thế Tôn, khi Ngài đi thuyết Pháp phương xa, Tịnh Xá Kỳ Viên rộng lớn này không còn nơi nương tựa, và thiện tín đến đây không biết hướng vào đâu để lễ bái cúng dường. Bạch hóa Đức Thế Tôn, xin Ngài hoan hỷ cho phép con lấy một hột của cây Bồ Đề mẹ để gieo trồng trước cổng Tịnh Xá.
- Được lắm này Ananda, hãy trồng đi. Làm thế ấy cũng như luôn luôn có mặt Như Lai ở đây. [5]
Đại Đức Ananda thuật câu chuyện lại cho những vị đại thí chủ như ông Anathapindika (Cấp Cô Độc), Bà Visakha và Vua Kosala, rồi xin Đức Moggallana (Mục Kiền Liên) giữ lại một trái chín mùi từ cây rơi xuống và trao lại Đức Ananda để Ngài dâng cho Vua. Vua đưa cho trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) trồng. Một cây Bồ Đề sớm mọc lên tươi tốt, mang tên là Bồ Đề Ananda. [6]
Đức Ananda và Giới Phụ Nữ
Cũng chính Ngài Ananda thỉnh cầu Đức Phật chấp nhận giới phụ nữ vào Giáo Hội. Nhờ vậy mà bà Maha Pajapati Gotami được xuất gia tỳ khưu ni. Toàn thể các tỳ khưu ni đều hết lòng kính mến Ngài.
Một lần nọ, Đại Đức Ananda đến hầu Đức Phật và bạch:
- Bạch hóa Đức Thế Tôn, chúng con phải đối xử với nữ giới như thế nào?
- Nầy Ananda, dường như không trông thấy.
- Nhưng đã trông thấy rồi, bạch hóa Đức Thế Tôn, chúng con phải làm thế nào?
- Nầy Ananda, không nên nói chuyện.
- Nhưng nếu được hỏi, chúng con phải làm thế nào?
- Nầy Ananda, phải cẩn thận đề phòng, giữ vững chánh niệm.
Lời khuyên dạy tổng quát này nhắc nhở các vị tỳ khưu phải luôn luôn thận trọng mỗi khi có việc liên quan đến nữ giới.
Đại Đức Ananda có một trí nhớ lạ thường. Ngài lại có diễm phúc hy hữu là được thường trực hầu cận Đức Phật và nghe tất cả những lời giảng dạy của Đức Phật. Vì lẽ ấy, Đại Đức Ananda được xem là vị Dhama-bhandagarika, "Bảo Thủ Giáo Pháp".
Để trả lời câu hỏi của một vị bà la môn, Đại Đức Ananda nói đến tri kiến về Giáo Pháp của mình như sau:
"Tám mươi hai ngàn của chính Đức Phật
Tôi được học. Ngoài ra còn thêm hai ngàn nữa, tôi học với các đạo hữu.
Như vậy, có tất cả tám mươi bốn ngàn bài Pháp mà tôi được học." [7]
Đức Phật liệt Đại Đức Ananda vào hàng các đại đệ tử của Ngài vì năm lý do: sức học uyên thâm (bahussutanam), trí nhớ vô cùng trung thực (satimantanam), phẩm hạnh cao thượng (gatimantanam), kiên trì (dhitimantanam) và chuyên chú cần mẫn (upatthakanam) [8].
Mặc dầu là một đệ tử lỗi lạc, thông suốt giáo lý, Ngài Ananda vẫn còn sống với Pháp-Học (Sekha), tức là còn cần phải được rèn luyện thêm nữa, chưa đắc Quả A La Hán, cho đến ngày Đức Phật nhập diệt. Lời khuyên nhủ cuối cùng của Đức Phật là: "Con đã tạo nhiều phước báu, Ananda, con sẽ sớm thanh lọc mọi ô nhiễm. [9]"
Mãi đến sau khi Đức Phật nhập diệt, Đại Đức Ananda mới đắc Quả A La Hán.
Trong buổi Kết Tập Tam Tạng lần đầu tiên gồm toàn những vị A La Hán, Đức Ananda cần phải giữ một vai trò quan trọng nên Ngài tận lực cố gắng, đắc Quả trong đêm trước, trong khi nghiêng mình nằm xuống. Kinh sách ghi rằng Ngài là vị đệ tử duy nhất đắc Quả A La Hán ngoài lúc đi, đứng, nằm, ngồi [10].
Đại Đức Ananda nhập diệt lúc được một trăm hai mươi tuổi thọ. Bản chú giải Kinh Pháp Cú ghi rằng lúc ấy, vì dân cư ở hai bên bờ sông Rohini đều hết lòng kính mến và ước muốn cung phụng Ngài, và cả hai bên bờ đều mong mỏi được tôn thờ Xá Lợi của Ngài, nên Ngài dùng thần thông ngồi trên không trung, giữa dòng sông, thuyết Pháp cho đám đông và phát nguyện rằng một phần nhục thể của mình sẽ rơi một bên bờ và phần còn lại sẽ rơi xuống bờ bên kia. Rồi Ngài chú tâm hành thiền về đề mục Lửa (Tejokasina Samapatti). Tức khắc lửa phừng nổi dậy từ thân Ngài, và như ý nguyện, một phần nhục thể của Ngài rơi xuống một bên bờ và phần khác rơi xuống bờ bên kia.
Kinh Theragatha có ghi lại nhiều bài kệ do Đại Đức Ananda đọc trong nhiều trường hợp. Những dòng thơ rất ý nhị sau đây của Ngài đề cập đến tánh cách tạm bợ của cái gọi là thân hình đẹp đẽ:
"Hãy xem kìa hình thể giả dối, phỉnh phờ của cái bù nhìn.
Một khối đau đớn khốn khổ,
Một ổ chứa đựng bệnh tật đông đầy như kiến cỏ,
Bao nhiêu kế hoạch và mục tiêu.
Nhưng trong ấy (kế hoạch và mục tiêu) không có mảy may khả năng tồn tại.
Hãy nhìn kìa, hình dáng giả dối, nhờ những món đồ phụ thuộc bên ngoài trang trí,
Nhưng tất cả chỉ là bộ xương, bên trong một bao da. [11]"