Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
QUÁN NIỆM THỰC TƯỚNG CỦA CẢM THỌ

(LIII) (Tik. I, 4) (It. 47)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này gọi là bậc Thánh đã chơn chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải toả kiết sử đã chơn chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Thấy bất khổ bất lạc
Thọ ấy là vô thường,
Tỷ-kheo ấy thật sự
Ðã thấy thật chơn chánh,
Chính tại ở nơi đây,
Từ đấy được giải thoát.
Thành tựu được thắng trí,
Bậc ẩn sĩ an tịnh
Chắc chắn đã vượt qua
Các ách nạn trói buộc
.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.