Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

7. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA LOÀI DƠI

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của loài dơi nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như loài dơi sau khi đi vào nhà, bay quanh, rồi đi ra, không chần chờ ở nơi ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi đi vào làng để khất thực, nên đi theo tuần tự, khi đã nhận được phần thì rời khỏi thật nhanh chóng, không nên chần chờ ở nơi ấy. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài dơi nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài dơi trong khi sống ở nhà của những người khác thì không làm việc phá hoại đến họ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi đi đến những gia đình, không nên gây ra cho họ bất cứ điều gì hối tiếc do sự xin xỏ quá mức, hoặc do nhiều sự yêu cầu, hoặc do nhiều sự sai trái của thân, hoặc do trạng thái nói quá nhiều, hoặc do trạng thái của lạc và khổ là tương đồng, cũng không nên khiến họ bỏ bê công việc căn bản của họ, nên ước muốn chỉ mỗi sự tiến triển về mọi mặt. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài dơi nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Trường Bộ quý báu, bài Kinh Lakkhaṇa:[8]

Vì niềm tin, vì giới, vì sự nghe, vì sự thông minh,

vì sự xả thí, vì Giáo Pháp, vì các điều tốt đẹp,

vì tài sản, vì lúa gạo, và vì ruộng vườn đất đai,

vì các con, vì những người vợ, và vì các gia súc,

vì các thân quyến, vì các bạn bè, và vì các bà con,

vì sức mạnh, vì sắc đẹp, và vì sự an lạc ở cả hai trường hợp,

ước muốn: ‘Làm thế nào để các kẻ khác không thoái hóa?’


và còn mong mỏi về sự thành tựu của mục đích.”