Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014


5. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNHCỦA NÚI

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của núi nên được hành trì,’ năm tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như núi không bị dao động, không thể bị lay động, không có sự rúng động. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập về việc kính nể (hay) không kính nể, tôn vinh (hay) không tôn vinh, cung kính (hay) không cung kính, có danh tiếng (hay) không có danh tiếng, sự chê trách hay khen ngợi, an lạc hay khổ đau, được ưa thích hay không được ưa thích, trong mọi trường hợp, không nên luyến ái ở các vật gây luyến ái là các sắc-thinh-hương-vị-xúc-pháp, không nên sân ở các vật gây sân, không nên si mê ở các vật gây si mê, không bị lay động, không bị dao động, tợ như núi là không dao động. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của núi nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:[8]

‘Giống như tảng đá cứng rắn không lay chuyển bởi gió, tương tợ như thế các bậc trí không chao động giữa những sự chê khen.’

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, núi là cứng rắn, không giao du với bất cứ cái gì. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên cứng cỏi, không nên giao du, không nên thực hiện việc giao tiếp với bất cứ ai. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của núi nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:[9]

‘Không gần gũi với cả hai hạng người tại gia và hạng người xuất gia, không lai vãng các gia đình, ít ham muốn, ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.’

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, hạt giống không phát triển ở núi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên để cho các phiền não phát triển ở tâm của mình. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của núi nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Subhūti nói đến:

‘Khi nào tâm liên hệ dến ái luyến khởi lên ở tôi, sau khi tự bản thân quán xét, chỉ một mình tôi thuần hóa nó.

Ngươi bị luyến ái ở các vật gây luyến ái, bị sân ở các vật gây sân, bị si mê ở các vật gây si mê, ngươi hãy lìa khỏi khu rừng.

Chỗ trú ngụ này dành cho các vị đạo sĩ khổ hạnh thanh tịnh, không bị ô nhiễm, ngươi chớ làm ô uế sự thanh tịnh, ngươi hãy lìa khỏi khu rừng.’

4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, núi thì vươn lên cao. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên vươn lên cao nhờ vào trí tuệ. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của núi nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:[10]

‘Vào lúc bậc sáng trí xua đi sự xao lãng bằng sự không xao lãng, sau khi leo lên tòa lâu đài trí tuệ, không còn sầu muộn, nhìn xuống đám người bị sầu muộn, tợ như người sáng suốt đứng ở ngọn núi nhìn xuống những người ngu si đứng ở trên mặt đất.’

5. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, núi không bị nhô lên không bị lõm xuống. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên thể hiện sự hứng chí hay nản lòng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của núi nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được nữ cư sĩ Cullasubhaddā nói đến trong lúc công bố về pháp Sa-môn của mình:

‘Thế gian hứng chí vì lợi lộc, nản lòng vì không lợi lộc. Những vị đứng yên một chỗ dầu có lợi lộc hay không có lợi lộc, những vị như thế ấy là những vị Sa-môn của tôi.’”