Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

TẠI SAO NÊN TIẾT CHẾ TRONG ẨM THỰC

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘Không nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao
tử.’

Và thêm nữa, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này Udāyi, tuy nhiên một đôi
khi Ta thọ thực với bình bát này đầy ngang miệng, thậm chí Ta còn thọ
thực nhiều hơn thế nữa.’

Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Không
nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử,’ như
thế thì lời nói rằng: ‘Này Udāyi, tuy nhiên một đôi khi Ta thọ thực
với bình bát này đầy ngang miệng, thậm chí Ta còn thọ thực nhiều hơn
thế nữa’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Này
Udāyi, tuy nhiên một đôi khi Ta thọ thực với bình bát này đầy ngang
miệng, thậm chí Ta còn thọ thực nhiều hơn thế nữa,’ như thế thì lời
nói rằng: ‘Không nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế
ở bao tử’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được
dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Không
nên xao lãng trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử.’ Và
Ngài đã nói rằng: ‘Này Udāyi, tuy nhiên một đôi khi Ta thọ thực với
bình bát này đầy ngang miệng, thậm chí Ta còn thọ thực nhiều hơn thế
nữa.’

Tâu đại vương, điều mà đức Thế Tôn đã nói là: ‘Không nên xao lãng
trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử,’ điều ấy là lời nói
về bản thể, là lời nói không thiếu sót, là lời nói đầy đủ, là lời nói
không thay đổi, là lời nói về sự thật, là lời nói đúng sự thật, là lời
nói chính xác, là lời nói không sái quấy, là lời nói của bậc ẩn sĩ, là
lời nói của bậc hiền trí, là lời nói của đức Thế Tôn, là lời nói của
vị A-la-hán, là lời nói của vị Phật Độc Giác, là lời nói của đấng
Chiến Thắng, là lời nói của đấng Toàn Tri, là lời nói của đức Như Lai,
bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác.

Tâu đại vương, người không hạn chế ở bao tử giết hại mạng sống, lấy
vật không cho, đi đến vợ người khác, nói lời dối trá, uống chất say,
đoạt mạng sống của mẹ, đoạt mạng sống của cha, đoạt mạng sống của vị
A-la-hán, chia rẽ Hội Chúng, làm chảy máu đức Như Lai với tâm ác xấu.
Tâu đại vương, chẳng phải Devadatta, kẻ không hạn chế ở bao tử, đã
chia rẽ Hội Chúng và đã gây nên nghiệp kéo dài một kiếp (trái đất).
Tâu đại vương, sau khi nhìn thấy các lý do khác, nhiều loại, có hình
thức như thế, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Không nên xao lãng trong việc
đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử.’

3. Tâu đại vương, người hạn chế ở bao tử lãnh hội được sự lãnh hội về
bốn Sự Thật, chứng ngộ bốn quả vị Sa-môn, đạt được bản thể năng lực về
bốn tuệ Phân Tích, về tám Thiền Chứng, về sáu Thắng Trí, và làm tròn
đủ toàn bộ phận sự của Sa-môn. Tâu đại vương, chẳng phải con bồ câu
xinh, sau khi hạn chế ở bao tử, đã làm rung động đến tận cung Trời Đạo
Lợi và đã khiến cho Sakka, Chúa của chư Thiên, phải đi đến chăm
sóc.[24] Tâu đại vương, sau khi nhìn thấy các lý do khác, nhiều loại,
có hình thức như thế, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Không nên xao lãng
trong việc đứng (khất thực), nên hạn chế ở bao tử.’

Tâu đại vương, trái lại về điều đã được đức Thế Tôn nói là: ‘Này
Udāyi, tuy nhiên một đôi khi Ta thọ thực với bình bát này đầy ngang
miệng, thậm chí Ta còn thọ thực nhiều hơn thế nữa,’ điều ấy đã được
đấng Toàn Tri, bậc Tự Chủ, đức Như Lai, vị có phận sự đã làm xong, có
công việc đã hoàn thành, có mục đích đã được thành tựu, có nhiệm vụ đã
hoàn mãn, không còn chướng ngại, nói về bản thân Ngài.

Tâu đại vương, giống như đối với người bị bệnh cần được ói ra, cần
được xổ, cần phải thải độc, thì công việc chăm sóc là cần thiết, tâu
đại vương, tương tợ y như thế đối với người còn phiền não, chưa thấy
được Sự Thật, thì việc hạn chế ở bao tử là việc nên làm. Tâu đại
vương, giống như đối với viên ngọc quý ma-ni có hào quang, nguyên
chất, có phẩm chất cao và hoàn toàn tinh khiết thì không có việc cần
phải chùi mài, chà xát, đánh bóng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế
đối với đức Như Lai, vị đã đi đến sự toàn hảo trong cương vị của một
bậc Giác Ngộ, thì không có sự trở ngại trong các hành động và việc
làm.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”