Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013


NGỮ VÀ NGHĨA

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Ta là đức vua Sela.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Ta là đức vua Sela’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Ta là đức vua Sela,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin’ cũng là sai trái. Bởi vì chỉ có thể hoặc là Sát-đế-lỵ hoặc là Bà-la-môn, nghĩa là không thể có hai giai cấp cho một lần sanh ra. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Ta là đức vua Sela.’ Ở đây có lý do, mà với lý do ấy đức Như Lai vừa là vị Bà-la-môn vừa là vua.”

“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì lý do ấy là gì, mà với lý do ấy đức Như Lai vừa là vị Bà-la-môn vừa là vua?”

“Tâu đại vương, tất cả các ác bất thiện pháp của đức Như Lai đã được lánh xa, đã được dứt bỏ, đã được xa lìa, đã được dứt lìa, đã được chặt đứt, đã đi đến sự cạn kiệt, đã được diệt tắt, đã được an tịnh, vì thế đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’

Bà-là-môn nghĩa là đã vượt qua sự nghi ngờ, phân vân, lưỡng lự. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng đã vượt qua sự nghi ngờ, phân vân, lưỡng lự. Vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’

Bà-là-môn nghĩa là đã lìa khỏi tất cả các nguồn gốc đưa đến hữu và cảnh giới tái sanh, đã thoát ra khỏi việc bị dính líu đến ô nhiễm và bụi bặm, không có bạn đồng hành. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng đã lìa khỏi tất cả các nguồn gốc đưa đến hữu và cảnh giới tái sanh, đã thoát ra khỏi việc bị dính líu đến ô nhiễm và bụi bặm, không có bạn đồng hành. Vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’

3. Bà-là-môn nghĩa là có nhiều sự an trú cao cả, tối thượng, cao quý, ưu tú thuộc về cõi trời. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng có nhiều sự an trú cao cả, tối thượng, cao quý, ưu tú thuộc về cõi trời. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’

Bà-là-môn nghĩa là người duy trì dòng dõi về sự chỉ dạy và truyền thống trước đây về việc học thuộc lòng, giảng dạy, tiếp nhận vật thí, rèn luyện, thu thúc, và kiềm chế. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng là người duy trì dòng dõi về sự chỉ dạy và truyền thống đã được thực hành bởi các đấng Chiến Thắng trước đây về việc học thuộc lòng, giảng dạy, tiếp nhận vật thí, rèn luyện, thu thúc, và kiềm chế. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’

Bà-là-môn nghĩa là vị có sự tham thiền về thiền có sự trú vào lạc bao la. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng là vị có sự tham thiền về thiền có sự trú vào lạc bao la. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’

Bà-là-môn nghĩa là vị biết sự vận hành và chọn lựa việc tái sanh ở tất cả các cảnh giới hữu và phi hữu. Tâu đại vương, đức thế Tôn cũng là vị biết sự vận hành và chọn lựa việc tái sanh ở tất cả các cảnh giới hữu và phi hữu. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’

Tâu đại vương, tên gọi ‘Bà-là-môn’ này của đức Thế Tôn không do mẹ tạo ra, không do cha tạo ra, không do anh trai tạo ra, không do chị gái tạo ra, không do các bạn bè thân hữu tạo ra, không do các thân quyến cùng huyết thống tạo ra, không do các Sa-môn và Bà-la-môn tạo ra, không do chư Thiên tạo ra. Tên gọi này của chư Phật Thế Tôn liên quan đến mốc cuối cùng của sự giải thoát, cùng với sự đạt được trí Toàn Tri sau khi tiêu diệt đạo binh của Ma Vương ở ngay dưới cội cây Bồ Đề, sau khi lánh xa các ác bất thiện pháp thuộc quá khứ, hiện tại, và vị lai, là sự xác định thực tế về việc đã đạt được, đã được hiển lộ, đã được sanh khởi, tức là ‘Bà-là-môn.’ Vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Bà-là-môn.’”

4. “Thưa ngài Nāgasena, vậy thì với lý do gì đức Như Lai được gọi là ‘Vua’?”

“Tâu đại vương, vua nghĩa là người nào cai trị vương quốc, chỉ dạy thế gian. Tâu đại vương, đức Thế Tôn cũng cai trị vương quốc bằng Giáo Pháp ở mười ngàn thế giới, chỉ dạy thế gian tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến loài người luôn cả các vị Sa-môn và Bà-la-môn. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’

Tâu đại vương, vua nghĩa là sau khi chế ngự toàn bộ dân chúng loài người, trong khi làm hoan hỷ tập thể thân quyến, trong khi gây sầu muộn cho tập thể kẻ thù, rồi cho giương lên chiếc lọng che màu trắng tinh khiết là vật đem lại danh vọng và vinh quang lớn lao vĩ đại, có thanh cầm bằng lõi cây cứng chắc, được trang hoàng với một trăm thanh nan không thiếu sót. Tâu đại vương, đức Thế Tôn trong khi gây sầu muộn cho đội binh của Ma Vương có sự thực hành sai trái, trong khi làm hoan hỷ chư thiên và nhân loại có sự thực hành đúng đắn, cũng cho giương lên ở mười ngàn thế giới chiếc lọng che màu trắng tinh khiết của sự giải thoát cao cả quý báu, là vật đem lại danh vọng và vinh quang lớn lao vĩ đại, có thanh cầm bằng lõi cây cứng chắc là sự nhẫn nại, được trang hoàng với một trăm thanh nan trí tuệ cao quý. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’

Tâu đại vương, vua nghĩa là vị đáng được đảnh lễ bởi số đông dân chúng đã đi đến và gặp gỡ. Tâu đại vương, đức Thế Tôn cũng là vị đáng được đảnh lễ bởi số đông chư Thiên và nhân loại đã đi đến và gặp gỡ. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’

Tâu đại vương, vua nghĩa là đối với người nào có sự ra sức thì tin tưởng, ban cho ân huệ đã chọn lựa, và làm thỏa mãn theo như ước muốn. Tâu đại vương, đức Thế Tôn đối với người nào có sự ra sức về thân, về khẩu, về ý, thì cũng tin tưởng, ban cho ân huệ vô thượng đã chọn lựa là sự giải thoát hoàn toàn mọi sự khổ đau, và làm thỏa mãn trọn vẹn ân huệ theo như ước muốn. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’

Tâu đại vương, vua nghĩa là đối với kẻ chống lại mệnh lệnh thì quở trách, loại trừ, tiêu diệt. Tâu đại vương, trong Giáo Pháp cao quý của đức Thế Tôn, kẻ vô liêm sỉ vượt qua sự quy định cũng bị chê bai, khinh miệt, khiển trách vì tình trạng yếu hèn và bị loại ra khỏi Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến Thắng. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’

Tâu đại vương, vua nghĩa là sau khi giảng giải về đúng pháp và sai pháp theo truyền thống và sự chỉ dạy của các vị vua chính trực trước đây, trong khi cai quản vương quốc một cách chính trực thì trở thành vị được ước muốn, được yêu mến, được mong cầu đối với dân chúng và loài người, rồi duy trì dòng dõi hoàng tộc lâu dài nhờ vào năng lực và ân đức của sự chính trực. Tâu đại vương, đức Thế Tôn sau khi cũng giảng giải về đúng pháp và sai pháp theo truyền thống và sự chỉ dạy của các đấng Tự Chủ trước đây, trong khi chỉ dạy thế gian đúng theo Pháp thì sẽ trở thành vị được ước muốn, được yêu mến, được mong cầu đối với chư Thiên và nhân loại, rồi chuyển vận Giáo Pháp lâu dài nhờ vào năng lực và ân đức của Pháp bảo. Cũng vì lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘Vua.’

Tâu đại vương, như vậy lý do có nhiều loại, mà với lý do ấy đức Như Lai có thể vừa là Bà-la-môn có thể vừa là vua. Vị tỳ khưu vô cùng khôn khéo cũng không có thể thành tựu được việc ấy cho dầu là một kiếp. Có ích gì với việc nói quá nhiều, điều khái quát nên được chấp nhận.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”