Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013


CHUYỆN TIỂU TIẾT MÀ KHÔNG NHỎ



1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta thuyết giảng Giáo Pháp sau khi đã hiểu biết tận tường, không phải không do Thắng Trí.’ Và còn nữa, ở sự quy định về Luật Ngài đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết.’ Thưa ngài Nāgasena, về việc đức Thế Tôn bảo hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết sau khi Ngài đã tịch diệt, phải chăng các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết đã được quy định sai, hay là đã được quy định khi không có sự việc (xảy ra), sau khi đã không nhận biết? Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này các tỳ khưu, Ta thuyết giảng Giáo Pháp sau khi đã hiểu biết tận tường, không phải không do Thắng Trí,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết’ là sai trái. Nếu ở sự quy định về Luật, đức Như Lai đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết,’ như thế thì lời nói: ‘Này các tỳ khưu, Ta thuyết giảng Giáo Pháp sau khi đã hiểu biết tận tường, không phải không do Thắng Trí’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, tinh vi, tế nhị, vô cùng khôn khéo, vô cùng sâu xa, khó phân giải. Nó được dành cho ngài. Ở đây, xin ngài hãy thể hiện sự triển khai về năng lực trí tuệ của ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta thuyết giảng Giáo Pháp sau khi đã hiểu biết tận tường, không phải không do Thắng Trí.’ Và ở sự quy định về Luật Ngài đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết.’ Tâu đại vương, đức Như Lai đã nói điều ấy trong khi thử thách các vị tỳ khưu rằng: ‘Sau khi Ta tịch diệt, các đệ tử của Ta, trong khi hết bị ràng buộc với Ta, thì sẽ loại bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết, hay là sẽ gắn bó?’ Tâu đại vương, giống như đức Chuyển Luân Vương có thể nói với các con trai như vầy: ‘Này các con, lãnh thổ rộng lớn này được bao bọc bởi đại dương ở tất cả các phương. Này các con, để duy trì chừng ấy (lãnh thổ) bằng binh lực là việc làm khó khăn. Này các con, sau khi ta băng hà các con hãy buông bỏ các khu vực biên địa.’ Tâu đại vương, phải chăng sau khi vua cha băng hà các hoàng tử có thể buông lơi tất cả các khu vực biên địa ấy là phần lãnh thổ đã nắm trong tay?”

“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, các vị vua còn ham muốn nhiều hơn. Các hoàng tử vì lòng tham đối với vương quốc có thể tóm thâu lãnh thổ hai lần ba lần hơn thế nữa, làm sao họ có thể buông lơi phần lãnh thổ đã nắm trong tay?”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai trong khi thử thách các vị tỳ khưu đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng trong khi mong muốn hãy hủy bỏ các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết.’

Tâu đại vương, nhằm sự giải thoát hoàn toàn khổ đau, những người con trai của đức Phật với lòng tham muốn về Giáo Pháp có thể gìn giữ còn nhiều hơn một trăm năm mươi điều học, làm sao các vị lại buông lơi điều học đã được quy định theo truyền thống?”

“Thưa ngài Nāgasena, điều mà đức Thế Tôn đã nói về ‘các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết,’ ở đây đám người này là mê muội, bị sanh khởi nỗi phân vân, bị tác động, bị khởi lên sự nghi ngờ. Các điều học nhỏ nhặt ấy là các điều nào? Các điều học tiểu tiết là các điều nào?”

“Tâu đại vương, điều học nhỏ nhặt là tội dukkaṭa (đã làm sai trái). Điều học tiểu tiết là tội dubbhāsita (đã nói sai trái). Hai loại này là các điều học nhỏ nhặt và tiểu tiết. Tâu đại vương, các vị đại trưởng lão trước đây đã nêu lên sự phân vân về điều này. Do đức Thế Tôn mà câu hỏi này đã được nêu ra; nó cũng đã gây ra sự không đồng nhất trong cuộc thảo luận về việc duy trì Giáo Pháp bởi các vị ấy.”

“Thưa ngài Nāgasena, điều bí ẩn của đấng Chiến Thắng bị bỏ quên bấy lâu, vào lúc này hôm nay đã được mở ra, đã được làm rõ ràng ở thế gian.”