Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Bài học, Chủ Nhật 07-07-2013



Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda


KHÔNG CÓ NGÃ THÌ AI TÁI SANH

6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ai đi tái sanh?”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, danh sắc đi tái sanh.”

“Có phải chính danh sắc này đi tái sanh?”

“Tâu đại vương, không phải chính danh sắc này đi tái sanh. Tâu đại vương, tuy nhiên con người tạo nghiệp thiện hoặc ác với danh sắc này, do nghiệp ấy mà danh sắc khác đi tái sanh.”

“Thưa ngài Nāgasena, nếu không phải chính danh sắc này đi tái sanh, không lẽ người ấy sẽ được thoát khỏi các nghiệp ác?”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Nếu không đi tái sanh thì có thể thoát khỏi các nghiệp ác. Tâu đại vương, và chính vì đi tái sanh mà không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó lấy trộm trái xoài của người nào khác, người chủ trái xoài bắt lấy chính người ấy rồi đem trình diện đức vua: ‘Tâu bệ hạ, các trái xoài của thần bị người này lấy trộm.’ Người ấy nói như vầy: ‘Tâu bệ hạ, thần không lấy trộm các trái xoài của người này. Các trái xoài đã được người này trồng là các trái khác, các trái xoài đã bị thần lấy trộm là các trái khác. Thần không đáng bị hình phạt.’ Tâu đại vương, phải chăng người ấy đáng bị hành phạt?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Đáng bị hành phạt.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, người ấy có thể chối bỏ trái xoài trước, vẫn đáng bị hành phạt với trái xoài sau.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế con người tạo nghiệp thiện hoặc ác với danh sắc này, do nghiệp ấy mà danh sắc khác đi tái sanh, do đó không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó lấy trộm lúa sāli —(như trên)— lấy trộm mía của người nào khác, —(như trên)— Tâu đại vương, giống như người nào đó vào mùa đông đốt ngọn lửa, sau khi sưởi ấm đã không dập tắt rồi ra đi. Sau đó, ngọn lửa ấy đốt cháy ruộng lúa của người khác. Người chủ ruộng bắt lấy chính người ấy rồi đem trình diện đức vua: ‘Tâu bệ hạ, ruộng của thần bị người này đốt cháy.’ Người ấy nói như vầy: ‘Tâu bệ hạ, thần không đốt cháy ruộng của người này. Ngọn lửa thần quên dập tắt ấy là khác, ngọn lửa đốt cháy ruộng của người này là khác. Thần không đáng bị hình phạt.’ Tâu đại vương, phải chăng người ấy đáng bị hành phạt?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Đáng bị hành phạt.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, người ấy có thể chối bỏ ngọn lửa trước, vẫn đáng bị hành phạt với ngọn lửa sau.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế con người tạo nghiệp thiện hoặc ác với danh sắc này, do nghiệp ấy mà danh sắc khác đi tái sanh, do đó không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó cầm lấy cây đèn rồi leo lên căn gác và sử dụng nó. Cây đèn trong khi được đốt cháy có thể đốt cháy cỏ, cỏ trong khi được đốt cháy có thể đốt cháy căn nhà, căn nhà trong khi được đốt cháy có thể đốt cháy ngôi làng, dân làng bắt lấy chính người ấy rồi nói như vầy: ‘Này ông, tại sao ông đốt cháy ngôi làng?’ Người ấy nói như vầy: ‘Này các ông, tôi không đốt cháy ngôi làng. Ngọn lửa của cây đèn mà tôi đã sử dụng ánh sáng là khác, ngọn lửa đã đốt cháy ngôi làng là khác.’ Trong khi tranh cãi, họ đã đi đến gặp bệ hạ. Tâu đại vương, đại vương có thể chấp nhận lời giải thích của ai?”

“Thưa ngài, của dân làng.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, tuy nhiên ngọn lửa ấy đã phát khởi chính từ đó.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cho dầu danh sắc cận tử là khác, danh sắc trong sự đi tái sanh là khác, tuy nhiên danh sắc ấy đã phát khởi chính từ đó. Vì thế không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó hỏi cưới cô con gái còn nhỏ, sau khi dâng vật đính hôn rồi ra đi. Cô gái ấy sau này trưởng thành đến tuổi thành hôn. Sau đó có người đàn ông khác dâng vật đính hôn rồi cử hành đám cưới. Người kia trở lại và nói như vầy: ‘Này ông, vì sao ông dẫn đi người vợ của tôi?’ Người ấy nói như vầy: ‘Này ông, tôi không dẫn đi người vợ của ông. Cô con gái còn nhỏ trẻ tuổi đã được ông hỏi cưới và dâng vật đính hôn là cô khác, cô con gái trưởng thành đến tuổi thành hôn được tôi hỏi cưới và dâng vật đính hôn là cô khác.’ Trong khi tranh cãi, họ đã đi đến gặp bệ hạ. Tâu đại vương, đại vương có thể chấp nhận lời giải thích của ai?”

“Thưa ngài, của người trước.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, tuy nhiên cô gái ấy trưởng thành phát khởi chính từ đó.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cho dầu danh sắc cận tử là khác, danh sắc trong sự đi tái sanh là khác, tuy nhiên danh sắc ấy đã phát khởi chính từ đó. Vì thế không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó mua lọ sữa tươi từ tay của người chăn bò, sau khi để lại ở tay của chính người ấy rồi ra đi (nói rằng): ‘Ngày mai, tôi sẽ nhận lấy rồi khởi hành.’ Ngày hôm sau, sữa tươi ấy có thể trở thành sữa chua. Người kia đi đến và nói như vầy: ‘Hãy trao cho tôi lọ sữa tươi.’ Người chăn bò trao sữa chua. Người kia nói như vầy; ‘Tôi không mua sữa chua từ tay của ông. Hãy trao cho tôi lọ sữa tươi.’ Người ấy nói như vầy: ‘Bộ ông không biết sữa tươi của ông đã trở thành sữa chua?’ Trong khi tranh cãi, họ đã đi đến gặp bệ hạ. Tâu đại vương, đại vương có thể chấp nhận lời giải thích của ai?”

“Thưa ngài, của người chăn bò.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, tuy nhiên sữa chua ấy phát khởi chính từ đó.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cho dầu danh sắc cận tử là khác, danh sắc trong sự đi tái sanh là khác, tuy nhiên danh sắc ấy đã phát khởi chính từ đó. Vì thế không được hoàn toàn thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải ngài sẽ không đi tái sanh?”

“Tâu đại vương, thôi đi. Điều gì với việc hỏi điều ấy? Không phải tôi đã nói trước đây là: ‘Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ thì tôi sẽ không đi tái sanh’?”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó làm việc phục vụ cao quý đến đức vua, đức vua hoan hỷ ban cho phần thưởng. Với phần thưởng ấy, người ấy đạt được, có được, hưởng được năm phần dục lạc. Nếu người ấy tuyên bố với mọi người rằng: ‘Đức vua không đền đáp cho tôi.’ Tâu đại vương, phải chăng người ấy có sự hành xử đúng đắn?”

“Thưa ngài, không phải.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế điều gì cho đại vương với việc hỏi điều này? Không phải tôi đã nói trước đây là: ‘Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ thì tôi sẽ không đi tái sanh’?”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘danh sắc,’ ở nơi ấy cái gì là danh, cái gì là sắc?”

“Tâu đại vương, ở nơi ấy cái nào thô thiển cái ấy là sắc. Ở nơi ấy những pháp nào vi tế, là tâm và sở hữu tâm, cái ấy là danh.”

“Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì không chỉ riêng danh đi tái sanh, hoặc không chỉ riêng sắc (đi tái sanh)?”

“Tâu đại vương, các pháp này nương tựa lẫn nhau, sanh lên chung với nhau.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như không có mầm trứng ở con gà mái thì cũng không có quả trứng. Và trong trường hợp ấy, cái nào là mầm trứng, và cái nào là quả trứng, cả hai vật này nương tựa lẫn nhau, chúng có sự sanh lên chung với nhau. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở nơi ấy nếu không có danh thì cũng không có sắc. Ở nơi ấy cái nào là danh, cái nào là sắc, cả hai cái này cũng nương tựa lẫn nhau, chúng có sự sanh lên chung với nhau. Như vậy hành trình[2] diệu vợi này được tạo nên.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”