Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013


Milinda Vấn Đạo


Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

(Đây là bản thu gọn để dùng làm giáo trình trong Lớp Phật Pháp Buddhadhamma)

1. Nghe nói ở thời quá khứ, trong khi Giáo Pháp của đức Thế Tôn Kassapa đang vận hành, có hội chúng tỳ khưu đông đảo cư ngụ tại một trú xứ cạnh dòng sông. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu, được thành tựu về phận sự và giới hạnh, sau khi thức dậy vào lúc sáng sớm, cầm lấy các chổi dài cán, trong lúc suy tưởng về ân đức Phật, các vị quét sân và gom rác thành đống, . Khi ấy, có một vị tỳ khưu đã nói với một vị sa di rằng: "Này sa di, hãy đến. Hãy đổ bỏ rác này." Vị ấy vẫn bước đi như là không nghe. Trong khi được gọi đến lần thứ nhì, rồi đến lần thứ ba, vị ấy vẫn bước đi như là không nghe. Do đó, vị tỳ khưu ấy (nghĩ rằng): "Sa di này khó dạy," rồi nổi giận, và đã ban cho cú đánh bằng cái cán chổi. Do đó, vị (sa di) ấy, vừa khóc lóc vì sợ hãi vừa đổ bỏ rác, đã lập nên lời phát nguyện thứ nhất rằng: "Do nghiệp phước thiện của việc đổ bỏ rác này, cho đến khi tôi đạt được Niết Bàn, trong khoảng thời gian ấy, tại mỗi nơi được lần lượt sanh ra, mong rằng tôi có đại quyền lực, có đại oai lực như là mặt trời lúc giữa trưa." Sau khi đổ bỏ rác, vị ấy đã đi đến bến sông để tắm. Sau khi nhìn thấy làn sóng của dòng sông đang rì rào, vị ấy cũng đã lập nên lời phát nguyện thứ nhì rằng: "Do nghiệp phước thiện của việc đổ bỏ rác này, cho đến khi tôi đạt được Niết Bàn, trong khoảng thời gian ấy, tại mỗi nơi được lần lượt sanh ra, mong rằng tôi có tài ứng đối được sanh lên đúng trường hợp, có tài ứng đối không bị ngập ngừng như là làn sóng này vậy." Vị tỳ khưu ấy, sau khi cất cây chổi ở phòng để chổi, cũng đang đi đến bến sông để tắm. Sau khi nghe được lời phát nguyện của vị sa di, vị ấy đã suy nghĩ rằng: "Cũng vì bị tác động bởi ta nên người này phát nguyện như thế. Có phải
là sẽ không ảnh hưởng đến ta?" và đã lập nên lời phát nguyện rằng:

"Cho đến khi tôi đạt được Niết Bàn, trong khoảng thời gian ấy, tại mỗi nơi được lần lượt sanh ra, mong rằng tôi có tài ứng đối không bị ngập ngừng như là làn sóng ở sông này vậy. Mong rằng tôi có khả năng để gỡ rối, để giải thích mọi sự ứng đối về câu hỏi được hỏi đi hỏi lại bởi người này." Cả hai người ấy, trong khi luân hồi giữa chư Thiên và loài người, đã trải qua một khoảng thời gian giữa hai vị Phật. Và vị trưởng lão Moggalliputtatissa đã được đức Phật của chúng ta nhìn thấy như thế nào, thì hai người này cũng đã được nhìn thấy như thế: "Khi năm trăm năm đã trôi qua kể từ khi sự viên tịch Niết Bàn của Ta, những người này sẽ tái sanh." Và đã được xác định rõ rằng: "Pháp và Luật nào đã được thực hiện một cách vi tế và đã được thuyết giảng bởi Ta, hai người này sẽ làm cho Pháp và Luật ấy được tháo gỡ, được rõ ràng bằng
phương thức hỏi đáp và sự đúng đắn về ví dụ so sánh, rồi sẽ hệ thống lại."

2. Trong hai người ấy, vị sa-di đã trở thành đức vua tên Milinda ở thành Sāgala thuộc xứ Jambudīpa (Ấn Độ), là người sáng trí, kinh nghiệm, thông minh, có năng lực trong thời quá khứ hiện tại và vị lai, là người hành động có suy xét trong lúc thực hiện mọi công việc rèn luyện và phô diễn. Và vị này có nhiều học thuật đã được học như là: sự hiểu biết do lắng nghe, sách dạy về âm thanh, tính toán, ứng dụng, học thuật về hướng dẫn và phân biệt, thiên văn, âm nhạc, y khoa, bốn bộ Vệ Đà, cổ thư, sử học, chiêm tinh học, ảo thuật, chú thuật, lý luận, chiến đấu, âm luật, hải dương học, và Phật ngôn là mười chín. Đức vua là nhà tranh luận khó sánh bằng, khó khuất phục, được xem là hàng đầu trong số đông các vị giáo chủ. Trong toàn cõi xứ Jambudīpa, không có ai sánh bằng đức vua Milinda về sức mạnh, nhanh nhẹn, dũng cảm, và trí tuệ. Đức vua là người giàu sang, có nhiều tài sản, nhiều của cải, vô số binh lực và xe cộ.