Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Câu chuyện ngày Chủ Nhật 3-10-2010

CÁI ÐUÔI BÒ (Tiền thân Nanguttha)
Thần có linh xin thần bảo vệ miếu

Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về tà khổ hạnh của các tu sĩ tà mạng Àjivaka. Lúc bấy giờ, các du sĩ tà mạng đang sống hành tà khổ hạnh khác nhau sau lưng Kỳ viên. Một số lớn Tỷ-kheo thấy họ hành trì các tà khổ hạnh khác nhau như tinh tấn ngồi chồm hỗm, lắc qua lắc lại như dơi, nằm dựa trên gai, nướng thân với năm đống lửa, liền hỏi Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, do tà khổ hạnh này, có gì tốt chăng?

Bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, do tà khổ hạnh này, không có gì tốt cả. Các bậc Hiền trí thuở xưa, đã nghĩ rằng do khổ hạnh này sẽ có gì tốt hơn lên. Vì vậy, họ đem lửa sinh nhật vào rừng, nhưng họ không thấy có gì lợi lạc từ những pháp thờ lửa v.v... họ bèn dùng nước dập tắt lửa ấy. Nhờ lấy một đề tài thiền quán để tu tập và đắc các Thắng trí và các Thiền chứng, họ đạt cứu cánh Phạm thiên giới.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Trong thời quá khứ, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn phương bắc. Ngày Bồ-tát sanh, cha mẹ đốt lên ngọn lửa sanh nhật và nuôi dưỡng lửa ấy. Khi Bồ-tát được mười sáu tuổi, cha mẹ ngài nói với con:

- Này con, chúng ta đã gìn giữ ngọn lửa sanh nhật của con. Nếu con muốn sống trong gia đình, hãy học ba tập Vệ-đà, nếu con muốn lên Phạm thiên giới, hãy lấy ngọn lửa, để được đại Phạm thiên ân sủng và đạt được cứu cánh Phạm thiên giới.

Bồ-tát nói:

- Con không thích đời sống gia đình.

Ngài cầm lấy lửa, đi vào rừng xây dựng một chòi am và sống trong rừng thờ lửa. Một hôm, Bồ-tát được cúng một con bò tại một làng biên địa, bèn dắt con bò ấy đến chòi am với ý định: "Ta sẽ cúng dường vị thần lửa ăn thịt con bò". Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Ở đây không có muối. Thần lửa không thể ăn thịt mà không có muối. Ta sẽ đem muối ở làng về và cúng dường thần lửa đồ ăn có muối".

Bồ-tát cột con bò tại đấy và đi đến làng để tìm muối. Trong khi Bồ-tát đi, nhiều người thợ săn đi đến tại chỗ ấy, thấy con bò, giết nó, nấu thịt ăn, và vứt lại đuôi, ống chân và da rồi mang theo thịt còn lại và ra đi. Vị Bà-la-môn trở về, chỉ thấy đuôi v.v... suy nghĩ: "Thần lửa này không thể hộ trì gia sản của chính mình, chắc không thể hộ trì ta được. Phải săn sóc ngọn lửa vô ích này, từ đây không tăng trưởng một điều tốt gì cho ta".

Vì vậy, Bồ-tát mất hết mọi ý nguyện săn sóc ngọn lửa. Bồ-tát nói:

- Thưa thần lửa, nếu ngài không có thể hộ trì gia sản của ngài, làm sao ngài hộ trì tôi được? Thịt không còn, ngài phải tự bằng lòng với những vật này vậy.

Bồ-tát quăng đuôi vào lửa v.v... và đọc bài kệ này:

Ôi thần lửa sanh nhật,
Thần lửa không giá trị,
Ta chỉ cúng cái đuôi,
Hãy xem là nhiều vậy,
Các loại thịt xứng đáng
Hiện nay không có nữa,
Ngài hãy vui chấp nhận
Chỉ bộ phận cái đuôi!

Nói vậy xong, bậc Ðại Sĩ lấy nước dập tắt lửa, rồi xuất gia làm ẩn sĩ, chứng được các Thắng trí và các Thiền chứng, và đạt cứu cánh ở cõi Phạm Thiên.

*

Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, Vị khổ hạnh dập tắt ngọn lửa là Ta vậy.

(Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu, GS Trần Phương Lan dịch)

Thảo luận:
1. Tại sao con người thường cả tin những điều hoàn toàn vô lý?
2. Người Phật tử nên thờ phượng thế nào để không rơi vào giới cấm thủ?
3. Phải chăng người hay mê tín vẫn tốt hơn người không tín ngưỡng?
4. Khi chưa đắc thánh quả vẫn còn "thân kiến". Tà kiến của thân kiến khác gì với tà kiến của giới cấm thủ?

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Câu chuyện ngày Thứ Bảy 2-10-2010

CHIẾU SÁNG NHƯ MẶT TRỜI (Tiền thân Virocana)
Không phải Tây Thi đừng bắt chước nhăn mặt

Câu chuyện này, khi trú ở Trúc Lâm, Bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa đóng vai trò bậc Thiện Thệ ở Gayàsìsa.

Khi thiền chứng biến mất, lợi dưỡng và danh vọng bị tiêu tan, Ðề-bà-đạt-đa đã nghĩ đến một phương tiện xin bậc Ðạo Sư chấp nhận cho năm pháp. Khi bị từ chối, vị ấy liền phá hòa hợp Tăng, bỏ đi đến Gayàsisa với năm trăm đệ tử của hai bậc Thánh đệ tử của đức Phật. Những đệ tử này mới xuất gia không bao lâu nên không thiện xảo trong Pháp và Luật. Vị ấy làm các Tăng sự riêng biệt với hội chúng này, trong một giới xứ riêng.

Bậc Ðạo Sư biết được trí của những người này đã đến thời thuần thục liền gửi hai đệ tử đầu tay đến đó. Khi thấy hai vị này, Ðề-bà-đạt-đa rất hoan hỷ, thuyết phát suốt đêm, và suy nghĩ: "Ta sẽ làm theo uy nghi đức độ của Phật, bắt chước bậc Thiện Thệ nói với hai vị đệ tử đầu tay:

- Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất, chúng Tỷ-kheo không hôn trầm, thụy miên, hãy thuyết pháp cho chúng Tỷ-kheo. Lưng ta đị đau mỏi, ta sẽ nằm nghỉ chốc lát.

Nói vậy xong, Ðề-bà-đạt-đa đi nằm nghỉ. Hai đệ tử đầu tay thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, làm họ giác ngộ về đạo, về quả, và đem tất cả đi về Trúc Lâm.

Kokàlika thấy tinh xá trống không, liền đi đến gặp Ðề-bà-đạt-đa, và nói:

- Này Hiền giả Ðề-bà-đạt-đa, hội chúng của Hiền giả đã bị phá vỡ, hai vị đại đệ tử của Thế Tôn đã làm cho tinh xá trống không và đã đi rồi. Còn Hiền giả thì vẫn nằm nghỉ.

Nói vậy xong, Kokàlika lột thượng y của Ðề-bà-đạt-đa, đá vào ngực Ðề-bà-đạt-đa với gót chân, giống như đóng một cái nêm vào bức tường, khiến cho máu trào ra từ miệng vị ấy. Từ đó trở đi, Ðề-bà-đạt-đa bị đau luôn. Bậc Ðạo Sư hỏi vị Trưởng lão:

- Này Xá-lợi-phất, khi ông đến, Ðề-bà-đạt-đa đã làm gì?

- Bạch Thế Tôn, Ðề-bà-đạt-đa thấy chúng con, liền nói: Ta sẽ làm theo uy nghi đức độ của Phật, rồi bắt chước bậc Thiện Thệ và lâm vào nạn lớn.

Bậc Ðạo Sư nói:

- Này Xá-lợi-phất, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới bắt chước Ta và gặp nạn. Thuở xưa, kẻ ấy cũng gặp nạn như vậy rồi.

Rồi theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con sư tử có lông dài và trú ở hang Kancana (Vàng) trong núi Hy-mã. Một hôm, sư tử hang Vàng đi ra, duỗi thân nhìn bốn phương, rống tiếng rống của loài sư tử xong, liền nhảy đi tìm mồi. Sư tử giết một con trâu lớn, ăn phần thịt tốt nhất, đi xuống một cái hồ uống đầy bụng nước trong như pha lê, rồi đi về hang.

Một hôm một con chó rừng hấp tấp đi tìm mồi, thấy sư tử, không thể chạy trốn được, rơi xuống chân trước mặt sư tử và nằm xuống. Sư tử hỏi:

- Này chó rừng, ngươi muốn gì?

Con chó rừng nói:

- Thưa ngài, con muốn hầu hạ dưới chân ngài.

Sư tử nói:

- Tốt lắm, hãy đến hầu ta. Ta sẽ cho ăn phần thịt ngon.

Nói xong sư tử đem con chó rừng về hang Vàng. Từ đấy trở đi, con chó rừng ăn phần thịt còn lại của các con thú do sư tử giết. Sau một thời gian, chó rừng trở thành to lớn. Một hôm, đang nằm trong hang, sư tử nói:

- Này chó rừng, hãy đứng trên chóp núi nhìn, khi thấy các con voi, ngựa, trâu đang đi dưới chân núi, hễ con nào ngươi muốn ăn thịt, hãy đến nói: Con muốn ăn thịt con này.

Chó rừng đảnh lễ và leo lên chóp núi, nhìn các con thú, hễ thấy con nào nó muốn ăn thịt, nó liền đi vào hang Vàng và báo cho sư tử biết:

- Thưa ngài, có mồi rồi.

Sư tử lập tức nhảy đi, và dầu đó là con voi đang trong thời kỳ phát dục, sư tử cũng lập tức giết nó, tự mình ăn phần thịt ngon và cho chó rừng phần còn lại. Chó rừng ăn thịt đầy bụng, rồi đi vô hang nằm ngủ. Sau nhiều ngày đã qua, chó rừng trở thành kiêu mạn. Nó suy nghĩ: "Ta cũng là con thú có bốn chân. Vì sao, ngày lại ngày, ta sống nhờ loài khác nuôi dưỡng? Bắt đầu từ nay, ta sẽ giết các con voi v.v... và ăn thịt. Ta sẽ bảo sư tử nói với ta: Thưa ngài chó rừng, đã có mồi. Ta sẽ giết con voi tốt và ăn thịt". Nghĩ vậy, nó đi đến bên sư tử và nói:

- Thưa ngài, đã lâu ngày, tôi ăn thịt các con voi tốt do ngài giết. Nay tôi muốn ăn thịt voi do tôi giết. Tôi sẽ nằm trong hang Vàng tại chỗ ngài nằm. Còn ngài xem có con voi nào đi dưới chân núi, thì ngài đến tôi và nói: Thưa ngài chó rừng, hãy bắt mồi.

Nó yêu cầu con sư tử chớ miễn cưỡng khi cho phép nó làm việc này.

Sư tử nói:

- Này chó rừng, khả năng giết các con voi thuộc gia đình sư tử. Ở đời chó rừng không có khả năng giết voi. Chớ ưa thích làm như vậy. Hãy sống và ăn thịt các con voi do ta giết.

Tuy sư tử nói như vậy, chó rừng không muốn từ bỏ ý định, vẫn tiếp tục yêu cầu. Su tử không thể ngăn chận, cuối cùng chấp thuận và nói:

- Vậy hãy vào chỗ của ta và nằm tại đấy.

Sau khi bảo chó rừng nằm trong hang Vàng, sư tử nhìn thấy con voi phát dục dưới chân núi, liền đến cửa hang và nói:

- Thưa ngài chó rừng, hãy bắt mồi.

Con chó rừng đi ra khỏi hang, duỗi thân, nhìn bốn hướng, hú lên ba lần, nhảy lên và nghĩ: "Ta sẽ cắn trên đầu con voi đang phát dục", nhưng nó lại rơi xuống chân voi. Con voi giơ chân phải lên, đạp trên đầu con chó rừng, nghiền nát xương đầu thành bột. Rồi với cái chân, con voi đạp nát thân chó rừng làm thành một đống, đi đại tiện trên ấy, và rống lên rồi đi vào rừng. Bồ-tát thấy sự việc như vậy liền nói lên bài kệ:

Với óc não nát bấy,
Với đầu bị vỡ tan,
Với xương sườn gãy nát,
Nay ngươi đã mất đầu.

*

Sau khi nói bài kệ này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, con chó rừng là Ðề-bà-đạt-đa, còn con sư tử là Ta vậy.

(Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu, GS Trần Phương Lan dịch)
Câu chuyện ngày Thứ Sáu 1-10-2010

THIÊN NGA VÀNG (Tiền thân Suvannahamsa)
Ăn ít no dai

Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tỷ-kheo-ni Thhullanandà (Nandà Mập). Một nam cư sĩ ở Xá Vệ muốn cúng dường tỏi cho chúng Tỷ-kheo-ni bảo người giữ ruộng:

- Khi nào các Tỷ-kheo-ni đến, hãy cho mỗi Tỷ-kheo-ni hai hay ba nhánh tỏi.

Từ khi ấy trở đi, các Tỷ-kheo-ni thường đi đến nhà người ấy, hay ra đồng ruộng để lấy tỏi, Một hôm, vào một ngày lễ, trong nhà người ấy tỏi không còn nữa. Tỷ-kheo-ni Thullanandà đến nhà người ấy với một số tùy tùng và hỏi:

- Thưa ông có tỏi không?

- Thưa ni sư, tôi không có. Tỏi đem về đủ dùng hết rồi. Ni sư hãy đi ra ngoài đồng.

Nghe nói vậy, Thullanandà đi ra ngoài đồng, không chế ngự được lòng tham, đã mang tỏi về quá nhiều. Ngưòi giữ ruộng tức giận:

- Vì sao các Tỷ-kheo-ni không biết vừa đủ, đem tỏi đi quá nhiều vậy?

Nghe nói vậy, các Tỷ-kheo-ni thiểu dục cũng bực bội phiền muộn; và các Tỷ-kheo ở nhà nghe các Tỷ-kheo-ni ấy nói cũng bực bội và phiền muộn không kém. Sự phiền muộn của chư Ni được các Tỷ-kheo trình lên Thế Tôn rõ. Thế Tôn phê bình Tỷ-kheo-ni Thullanandà và nói:

- Này các Tỷ-kheo, một người có lòng dục lớn xử sự không thân ái, không làm vừa ý ngay cả mẹ sanh ra mình, không gây được lòng tin đối với những người chưa tin, không thể làm tăng trưởng lòng tin của những người đã có lòng tin; không tạo nên các lợi dưỡng chưa được tạo nên. Và đối với lợi dưỡng đã có rồi, cũng không thể duy trì được. Còn người ít dục có thể làm khởi lên lòng tin ở người chưa có lòng tin, có thể làm tăng trưởng lòng tin với những người đã có lòng tin, tạo nên các lợi dưỡng chưa được tạo nên, và đối với lợi dưỡng đã có rồi vẫn có thể duy trì được.

Với phương pháp ấy, bậc Ðạo Sư thuyết giáo thích hợp cho các Tỷ-kheo ấy và nói:

- Này các Tỷ-kheo không phải chỉ nay Thullanada mới có tham dục lớn, trong quá khứ Thullanandà cũng đã có lòng dục lớn như vậy rồi.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, họ cưới cho Bồ-tát một người vợ từ một gia đình ngang hàng. Với người vợ ấy, Bồ-tát có được ba con gái đều tên là Nandà. Khi Bồ-tát mệnh chung, vợ và các con gái phải đi đến ở với các gia đình khác.

Bồ-tát tái sanh làm con ngỗng trời vàng có trí nhớ được các đời trước. Khi con ngỗng trời vàng đến tuổi trưởng thành, thấy thân thể to lớn của mình, với lông vàng che thân, với sắc đẹp tuyệt trần, nó hướng tâm tìm hiểu: "Ta từ đâu mạng chung mà đến đây?"

Biết được mình từ loài người đến, Bồ-tát hiểu: "Nay nữ Bà-la-môn và các con gái ta ở đâu?". Ðược biết họ đang làm thuê cho người khác và sống một cách khó khăn, Bồ-tát suy nghĩ: "Trong các lông bằng vàng trên thân ta hiện nay, nếu ta cho họ một cái lông bằng vàng của ta, thì với lông vàng ấy, vợ và các con gái ta sẽ sống hạnh phúc". Vì vậy, Bồ-tát đi đến chỗ họ ở và đậu trên cây xà ngang chính. Nữ Bà-la-môn và các con gái thấy Bồ-tát, liền hỏi:

- Thưa ngài, ngài từ đâu đến?

Bồ-tát trả lời:

- Ta là cha các con. Ta mệnh chung được sanh làm con ngỗng trời vàng. Ta đến để thăm các con. Bắt đầu từ nay các con không còn phải làm thuê cho người khác và sống một cách khổ sở như vậy nữa. Ta sẽ cho các con mỗi lần một cái lông vàng của ta. Các con bán lông ấy và sống hạnh phúc.

Nói xong, Bồ-tát cho họ một cái lông vàng và bay đi. Từ đó với cách thức này, Bồ-tát tiếp tục đi đến và mỗi lần cho họ một cái lông vàng. Và các nữ Bà-la-môn được sống sung túc và hạnh phúc. Một hôm, nữ Bà-la-môn nói với các con gái:

- Này các con, tâm của loài súc sanh khó mà tin được. Một ngày nào đó, cha các con có thể không đến đây, vậy khi nào cha các con đến, chúng ta hãy nhổ tất cả lông vàng và lấy các lông ấy để dành.

Các cô gái không chịu, liền nói:

- Làm như vậy cha chúng con sẽ đau đớn.

Tuy vậy nữ Bà-la-môn, vì lòng ham muốn quá lớn, một hôm, thấy con ngỗng trời vàng đến, bà kêu con ngỗng đến gần bà, với hai tay bắt giữ ngỗng và nhổ tất cả lông. Nhưng các lông của Bồ-tát có đặc điểm là nếu bị nhổ lên bằng sức mạnh ngoài ý muốn của mình, thì chúng trở thành như lông con cò thường. Bấy giờ Bồ-tát xòe hai cánh ra, nhưng không có thể bay được. Nữ Bà-la-môn quăng Bồ-tát vào một cái thùng lớn và cho Bồ-tát ăn ở đấy. Theo thời gian, các lông của Bồ-tát được mọc lên, nhưng chúng toàn màu trắng. Với cánh được mọc lại, Bồ-tát về chỗ ở của mình, và không bao giờ trở lại nữa.

*

Sau khi kể câu chuyện quá khứ này, bậc Ðạo Sư lại nói:

- Này các Tỷ-kheo, Thullanandà không phải nay mới có ham muốn lớn. Thuở trước nàng cũng có ham muốn lớn rồi. Lòng ham muốn lớn của nàng lúc ấy làm cho nàng mất vàng, cũng như lòng ham muốn lớn của nàng hôm nay làm cho nàng mất tỏi. Cũng như Thullanandà, chính vì nàng, chúng Tỷ-kheo còn lại không được tỏi. Do vậy, nếu được nhiều, phải biết lượng vừa đủ; nếu được ít, phải bằng lòng với đồ nhận được. Chớ mong mỏi nhiều hơn.

Rồi bậc Ðạo Sư đọc bài kệ:

Ðược gì, hãy biết đủ,
Quá tham là ác pháp,
Do bắt chúa ngỗng trời,
Bao nhiêu vàng tiêu hết.

Nói xong pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn là Thullanandà, ba người con gái ấy là ba chị em của nàng, và con ngỗng trời vàng là Ta vậy. (Câu chuyện này được nói đến trong Luật tạng, tập IV).
(Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu, GS Trần Phương Lan dịch)
Câu chuyện ngày Thứ Năm 30-9-2010

NỮ BÀ-LA-MÔN KOSIYA (Tiền thân Kosiya)
Không thể lấy vải the che mắt thánh

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người đàn bà ở Xá-Vệ. Nghe nói, nàng là vợ một Bà-la-môn cư sĩ có lòng tin. Nhưng nàng hành ác giới, theo ác pháp, ban đêm hành tà hạnh, còn ban ngày không làm công việc gì, cứ giả bộ đau ốm nằm rên. Người Bà-la-môn hỏi nàng:

- Hiền thê đau làm sao?

Nàng trả lời:

- Tôi bị gió hành.

- Hiền thê muốn gì?

- Muốn ăn đồ béo, bánh ngọt, các món ăn đặc biệt như cháo, món ăn có dầu v.v...

Nàng muốn gì người Bà-la-môn đều đem lại cho nàng, và ông ta làm tất cả mọi công việc như một người nô lệ. Khi vị Bà-la-môn có mặt ở nhà, thì nàng nằm nghỉ. Khi vị Bà-la-môn đi ra ngoài, nàng sống với các tình nhân.

Vị Bà-la-môn suy nghĩ: "Gió hành hạ thân vợ ta không có triệu chứng chấm dứt". Nghĩ vậy, vị Bà-la-môn đem hương, vòng hoa đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư hỏi:

- Này Bà-la-môn, sao mấy lúc này không thấy mặt ông?

Vị Bà-la-môn thưa:

- Bạch Thế Tôn, nữ Bà-la-môn vợ con bị gió hành hạ. Con phải tìm bơ chín, dầu v.v... và các món ăn đặc biệt cho vợ con. Nay thân nàng béo tốt, và màu da nàng sáng tươi. Nhưng bệnh vì gió không có triệu chứng chấm dứt. Vì con săn sóc vợ con nên không có cơ hội đến đây.

Bậc Ðạo Sư biết được ác hạnh của nữ Bà-la-môn, liền hỏi:

- Này Bà-la-môn, do tự ngã chất chứa nhiều đời, ông không nhớ lời của các bậc hiền trí đã nói với ông thời xưa. Cần phải làm những thuốc này, thuốc này đối với chứng bệnh của người đàn bà nằm như vậy.

Nói vậy xong, theo yêu cầu của vị Bà-la-môn, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị Bà-la-môn sanh ra trong một gia đình rất cao quý, đi học tất cả tài nghệ ở Takkasilà và trở thành một bậc Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương. Các thanh niên hoàng tộc và các thanh niên Bà-la-môn ở tại kinh đô phần lớn đến học nghề từ Bồ-tát.

Một Bà-la-môn ở tỉnh thành học ba tập Vệ-đà và mười tám học minh với Bồ-tát; vị ấy được đặt vào chức vụ địa chủ ở Ba-la-nại, hằng ngày hai lần đi đến Bồ-tát. Vợ vị ấy là nữ Bà-la-môn có ác giới, theo ác hạnh. (Tất cả câu chuyện giống như câu chuyện hiện tại). Khi Bồ-tát hỏi và được nghe: "Do nhân duyên này ... con không có cơ hội nghe thuyết giảng", Bồ-tát biết nữ gia chủ này lừa đảo vị Bà-la-môn, bèn nghĩ: "Ta sẽ nói một phương thuốc thích hợp với chứng bệnh của nữ Bà-la-môn". Vì vậy, Bồ-tát nói với vị Bà-la-môn ấy:

- Này cư sĩ thân, bắt đầu từ hôm nay, chớ cho nữ Bà-la-môn bơ chín, sữa, các vị ngọt v.v... Hãy lấy năm loại trái cây và phân bò, bỏ chúng vào trong một cái nồi bằng đồng mới, khiến chúng thấm nhiễm mùi của đồng, rồi cầm sợi dây thừng hay cây roi mây và nói: "Ðây là món thích hợp với bệnh của bà, hãy uống thuốc này hoặc đứng dậy làm các công việc cho xứng với các món bà ăn". Sau đó, hãy đọc lên bài kệ này. Nếu vợ ông không chịu ăn uống, hãy lấy dây thừng hay cây roi mây đánh bà ta vài cái, hoặc nắm tóc kéo đi, hoặc lấy cùi chỏ đánh nhẹ, thế nào bà ta cũng dậy và làm công việc.

Người Bà-la-môn nói:

- Lành thay!

Và như đã được nghe nói, khi về nhà, vị ấy làm món thuốc và nói với bà vợ:

- Này hiền thê, hãy uống thuốc này!

- Ai nói làm thuốc này?

- Bậc Sư trưởng, hiền thê ạ.

- Hãy đem đi, tôi không uống đâu.

Thanh niên Bà-la-môn nói:

- Ngươi không thích uống sao?

Vị ấy cầm sợi dây và nói:

- Hoặc là uống thuốc này thích hợp với bệnh của ngươi, hoặc là làm công việc cho xứng đáng với món ăn được cung cấp.

Rồi vị ấy đọc bài kệ:

Hãy ăn như đã nói,
hãy nói như đã ăn,
Ngươi không làm cả hai,
Cả nói và cả ăn,
Hỡi này Ko-si-ya.

Nghe vậy, nữ Bà-la-môn Ksiya sợ hãi, vì biết có sự can thiệp của vị Sư trưởng. "Ta không thể lừa đảo được nữa". Sau đó, nàng liền ngồi dậy làm các công việc. Vì lòng kính trọng bậc Ðạo Sư, nàng từ bỏ ác hạnh và trở thành có giới đức.

*

Khi nghe chuyện xong, nữ Bà-la-môn nhận thấy đức Phật đã hiểu ác hạnh của mình, bèn sợ hãi và không dám phạm tội nữa.

Sau khi kể câu chuyện này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Người chồng và người vợ thời ấy là người chồng và người vợ hiện tại, còn vị Sư trưởng là Ta vậy.
(Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu, GS Trần Phương Lan dịch)

Câu chuyện ngày Thứ Tư 29-9-2010

TƯỚNG CỦA KIẾM (Tiền thân Asilakkhana)
Cùng đồng một sự việc nhưng tùy trường hợp hệ quả có khác

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Bà-la-môn giỏi đoán tướng của kiếm tại cung vua Kosala. Nghe nói vị này khi được người thợ của vua đem kiếm lại, chỉ ngửi cây kiếm cũng có thể nói lên tướng của cây kiếm. Khi được lợi dưỡng từ tay của người nào, vị này nói cây kiếm của họ có tướng tốt, điềm lành. Khi không được lợi dưỡng từ tay của người khác, vị này chê trách cây kiếm của họ có tướng xấu.

Thế rồi có một người thợ làm cây kiếm xong, bỏ nó vào trong bao với bột tiêu mịn rồi đem cây kiếm dâng vua. Vua cho gọi người Bà-la-môn và bảo thử cây kiếm. Khi vị Bà-la-môn rút cây kiếm ra và ngửi, bột tiêu vào lỗ mũi khiến vị này muốn hắt hơi. Khi vị ấy hắt hơi, lỗ mũi va chạm vào lưỡi kiếm và bị cắt đứt làm hai. Câu chuyện lỗ mũi của vị ấy bị đứt được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, các Tỷ-kheo tại Chánh pháp đường bắt đầu câu chuyện:

- Này các Hiền giả, người giỏi đoán tướng kiếm của vua, trong khi đoán tướng cây kiếm, đã bị chặt đứt lỗ mũi.

Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi họp và bàn vấn đề gì?

Khi được nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Bà-la-môn ấy ngửi cây kiếm và bị chặt đứt mũi. Thuở xưa, vị ấy cũng đã bị như vậy rồi.

Nói xong bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, có người Bà-la-môn giỏi đoán tướng của kiếm. (Tất cả giống như câu chuyện hiện tại). Vua truyền gọi những người giải phẫu, bảo họ gắn một cái mũi giả vào mũi vị ấy và cho vị ấy làm việc lại. Vua Ba-la-nại không có con trai, chỉ có con gái và một người cháu trai, vì thế vua nuôi dưỡng cả hai bên cạnh vua cho đến lớn. Vì họ lớn lên gần nhau, họ sanh tâm luyến ái nhau. Vua cho gọi các vị đại thần và nói:

- Cháu trai của ta sẽ làm vua đất nước này. Sau khi gả con gái, ta làm lễ quán đảnh cho nó.

Sau khi nói vậy, vua lại suy nghĩ: "Cháu ta là con cháu ta rồi. Hãy cưới cho nó một công chúa của vị vua khác, rồi làm lễ quán đảnh. Ta sẽ gả con gái ta cho một vị vua khác. Như vậy con cháu của ta sẽ đông hơn và chúng ta sẽ làm chủ cả hai vương quốc". Sau khi bàn bạc với các vị đại thần, vua nghĩ cần phải phân ly hai người ấy, nên đã cho cháu trai sống một nơi, và cho con gái sống một chỗ khác. Bấy giờ cả hai được mười sáu tuổi, và hết sức luyến ái nhau. Hoàng tử suy nghĩ: "Dùng phương tiện gì ta có thể bắt cóc con gái của cậu ta khỏi cung vua?". Rồi chàng nghĩ ra một phương kế, bảo mời một bà thầy bói, và cho bà một gói một ngàn đồng tiền vàng. Baø hỏi:

- Tôi phải làm gì?

- Bà làm cách nào cho tôi được nàng. Bà hãy bày cho một mưu kế, nhờ vậy tôi đem được công chúa ra khỏi nhà.

- Thưa, ngài được. Tôi sẽ đi đến hầu đức vua và nói như sau: - Thưa Ðại vương, công chúa bị ma quỷ ám ảnh, đợi khi nào ma quỷ bỏ đi không để ý, vào ngày ấy, tôi sẽ chở công chúa lên xe, đem theo nhiều người tay cầm vũ khí, với một số tùy tùng đông đúc đưa đến nghĩa địa, tại đây, trong một vòng tròn có bùa phép, sau khi đặt một người chết nằm trên giường phía dưới, tôi sẽ đặt công chúa nằm phía trên ấy, và với một trăm lẻ tám bình nước thơm, tôi sẽ làm cho ma quỷ rời công chúa". Nói vậy xong, tôi sẽ đưa công chúa đến nghĩa địa. Trong ngày chúng tôi đi đến, xin ngài đi đến sớm một chút, cầm theo một ít bột tiêu với một số tùy tùng của ngài mang vũ khí cầm tay vây quanh leo lên xe. Khi đến nghĩa địa, ngài hãy cho đậu xe vào một phía cổng, rồi đưa những người có vũ khí vào trong rừng nghĩa địa. Còn ngài tự mình đi đến chỗ có vòng tròn bùa phép và nằm trên ấy, che phủ lại như người chết. Rồi tôi đến chỗ ấy, trải một chỗ nằm nhỏ trên ngài, và bảo công chúa nằm lên. Khi ấy, ngài sẽ bỏ hột tiêu vào lỗ mũi hắt hơi ba lần. Khi ngài hắt hơi, chúng tôi sẽ bỏ công chúa lại và chạy trốn. Khi ấy ngài đến, hãy an ủi công chúa rồi đem công chúa về nhà.

Hoàng tử chấp thuận, cho đó là một mưu chước tuyệt điệu.

Bà thầy bói đi đến trình vua vấn đề ấy và vua chấp thuận. Rồi bà nói chuyện riêng với công chúa và nàng cũng chấp nhận. Ngày ra đi, bà tin cho hoàng tử biết, và đi đến nghĩa địa cùng với một đoàn tùy tùng đông đúc. Với mục đích làm cho họ sợ hãi, bà bảo các người bảo vệ:

- Khi ta đặt công chúa lên giường, người chết ở giường dưới hắt hơi và từ chiếc giường dưới đi ra, nó thấy ai trước sẽ bắt người ấy. Hãy hết sức coi chừng.

Hoàng tử đã đến trước, và nằm trên chỗ đã dặn. Bà thầy bói đỡ công chúa đi đến chỗ vòng tròn có bùa phép, dặn công chúa chớ sợ hãi, và đặt nàng trên giường. Trong lúc ấy, hoàng tử bỏ bột tiêu vào lỗ mũi và hắt hơi. Khi hoàng tử vừa mới hắt hơi, bà thầy bói bỏ công chúa lại, hét một tiếng rất lớn rồi chạy trước hơn ai hết. Khi bà ta chạy, không một người nào dám đứng lại, tất cả đều quăng bỏ vũ khí mang theo và chạy thoát thân.

Hoàng tử làm tất cả mọi việc như đã bàn từ trước và đem công chúa đi về trú xứ của mình, còn bà già đi về trình vua mọi việc đã xảy ra. Nhà vua suy nghĩ: "Từ trước, ta đã có dụng ý dành công chúa cho nó rồi. Chúng như bơ chín bỏ trong cháo sữa".

Sau một thời gian, vua cho cháu trai trị vì vương quốc và đặt công chúa lên làm hoàng hậu. Người cháu vua, sống hòa hợp với công chúa và trị nước đúng pháp. Người đại thần giỏi đoán tướng kiếm vẫn hầu cận vua mới. Một hôm, vị đại thần này hầu vua đứng giữa trời nắng, keo dán mũi giả của vị ấy chảy ra và cái mũi giả rơi xuống đất. Vị đại thần xấu hổ đứng dậy cúi mặt xuống. Vua cười và nói:

- Này Sư trưởng, chớ để ý. Nhảy mũi là tốt đối với người này, là xấu đối với người kia. Khanh vì nhảy mũi nên bị đứt mũi. Còn ta nhờ nhảy mũi đã được vợ và được cả vương quốc.

Nói xong vua đọc bài kệ này:

Cũng đồng một sự việc,
Với người này là tốt,
Với người kia là xấu,
Không tốt cho tất cả,
Cũng không xấu tất cả.

Như vậy với bài kệ này, vua kể sự việc cũ, và trọn đời làm công đức như bố thí v.v... rồi đi theo nghiệp của mình.

*

Với bài thuyết pháp này, bậc Ðại Sư nêu rõ không có vấn đề hoàn toàn thiện hay hoàn toàn ác như thế gian nghĩ. Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, vị đại thần giỏi đoán tướng kiếm là vị giỏi đoán tướng kiếm ngày nay, còn Ta là người cháu vua được vương vị.
(Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu, GS Trần Phương Lan dịch)

Câu chuyện trong ngày Thứ Ba 28-9-2010

NGƯỜI NÔ LỆ KATÀHAKA (Tiền thân Katàhaka)
Người thiếu thực chất thường hay khoác lác

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo nói khoác lác.

*

Thuở xưa, khi vua Barhmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một nhà triệu phú giàu có và bà vợ triệu phú sanh một con trai. Cũng trong ngày ấy, một người nữ tỳ sanh một con trai. Hai trẻ ấy lớn lên cùng tuổi với nhau. Khi con trai vị triệu phú học viết, con trai người nô tỳ mang tấm gỗ cũng xin học viết luôn với cậu chủ. Rồi nó học hai hay ba công nghệ, lớn lên nó trở thành một thanh niên ăn nói giỏi, đẹp trai và được đặt tên là Katàhaka.

Khi làm quản lý cho các kho trong nhà triệu phú, anh ta suy nghĩ: "Những người này sẽ không bắt ta làm quản lý các kho suốt đời được. Nếu thấy ta có lỗi gì, họ sẽ đánh ta, trói ta, đóng dấu vào ta, cho ta đồ ăn của bọn nô lệ. Tại biên địa, có người triệu phú là bạn của triệu phú này, ta sẽ viết thư, nhân danh người triệu phú cầm đi đến đấy, và nói: Ta là con của triệu phú, lừa dối vị triệu phú biên địa để lấy con gái của ông ta, hưởng hạnh phúc và sống an lạc suốt đời".

Nghĩ vậy, anh ta lấy giấy và viết thư như sau: "Tôi gửi người con trai của tôi tên là Katàhaka đến với bạn. Thật là xứng đáng nếu hai gia đình chúng ta kết làm sui gia với nhau: Con của tôi lấy con của bạn. Do vậy, hãy gả con gái của bạn cho con trai của chúng tôi, cho nó sống tại đấy, và khi nào có cơ hội tôi sẽ đến". Viết xong, anh ta đóng triện của người triệu phú, đem theo nhiều tiền bạc, áo quần, hương thơm v.v.... đưa đến biên địa, đảnh lễ vị triệu phú và đứng chờ. Người triệu phú hỏi:

- Này con thân, con từ đâu lại?

Anh ta đáp:

- Từ Ba-la-nại.

- Con là ai?

- Là con vị triệu phú Ba-la-nại.

- Vì mục đích gì, con đến đây?

Lúc bấy giờ Katàhaka đưa bức thư và nói:

- Ông xem bức thư này rồi sẽ rõ.

Người triệu phú đọc thư xong rồi nói:

- Nay mới thật là ta sống cuộc đời mới.

Ông hoan hỷ gả con gái và xây dựng cho anh ta. Ðược tôn quí như vậy, Katàhaka trở thành kiêu ngạo. Ðối với các món ăn như cháo, đồ ăn cứng ... và các loại vải hương được đem lại, anh ta chỉ trích như sau:

- Chúng nấu cháo như thế này, nấu đồ ăn cứng như thế này. Ôi! Thật là những người ở biên địa.

Anh ta chỉ trích những người thợ dệt vải, và những người thợ khác:

- Với bản chất của người sống ở biên địa, những người này không biết dệt y. Chúng không biết chọn hương, không biết bó hoa.

Khi thấy vắng người nô lệ, Bồ-tát hỏi:

- Ta không thấy mặt Katàhaka, nó đi đâu? Hãy cho đi tìm nó khắp nơi.

Một trong những người đi tìm kiếm đến tại chỗ ấy, thấy Katàhaka, nhận diện được anh ta, nhưng không để lộ tông tích của mình, và đi về trình với Bồ-tát. Bồ-tát nghe tin như vậy, liền nói:

- Nó làm một việc không phải, ta sẽ đi đem nó trở về.

Sau khi xin phép vua, ngài ra đi với một số tùy tùng lớn. Khắp nơi, mọi người đều biết vị triệu phú đi ra biên địa. Katàhaka nghe tin Bồ-tát đến liền suy nghĩ: "Không có lý do gì khác để vị triệu phú đến. Chính vì ta. Nếu ta chạy trốn, thì sau không thể trở về được". Anh ta nghĩ ra phương kế. "Ta hãy đi đón ông chủ, làm bổn phận một người nô lệ, và làm vui lòng ông chủ của ta". Bắt đầu từ đấy, giữa hội chúng, anh ta nói như sau:

- Những kẻ ngu khác, vì ngu si, không biết các công đức của cha mẹ, khi cha mẹ ăn, họ không hầu hạ, lại ngồi ăn với cha mẹ. Còn chúng tôi, khi cha mẹ ăn, chúng tôi đem lại bát, ống nhổ, chén đĩa, quạt và nước uống. Như vậy, chúng tôi hết lòng hầu hạ cha mẹ. Cho đến khi cha mẹ đi đại tiểu tiện, chúng tôi cũng đem lại bình nước.

Tất cả mọi bổn phận phải làm của người nô lệ đối với chủ, Katàhaka đều trình bày rõ. Sau khi đã dạy cho đám tùy tùng như vậy, Katàhaka thưa với ông cha vợ:

- Thưa cha thân: con nghe tin cha của con sắp đến thăm cha. Cha hãy sửa soạn các món ăn loại cứng và loại mềm. Còn con đem theo quà tặng, con sẽ đi đón cha con.

Nhạc phụ chấp thuận:

- Tốt lắm, này con.

Katàhaka đem theo nhiều quà tặng đi với một số gia nhân, đảnh lễ Bồ-tát, và dâng quà tặng. Bồ-tát nhận quà tặng, đối xử với anh ta rất thân tình. Khi đến giờ ăn sáng, ngài cho dựng trại, đi vào chỗ kín để giải quyết mọi bức bách của thân. Katàhaka ngăn ngừa tùy tùng của mình, lại tự cầm bình nước, đi đến gần Bồ-tát, và sau khi lo hầu hạ xong, anh ta quỳ xuống chân Bồ-tát và thưa:

- Thưa ông chủ, ông chủ cần tài sản bao nhiêu con xin dâng đủ, xin chớ làm cho danh giá con mất đi.

Bồ-tát bằng lòng với bổn phận đầy đủ của nó và nói:

- Chớ sợ hãi, không có gì nguy hiểm đến với ngươi từ lời nói của ta cả.

Bồ-tát an ủi anh ta, rồi đi vào thành phố biên địa và được tiếp đón long trọng. Còn Katàhaka luôn luôn làm bổn phận của người nô lệ. Một thời, khi Bồ-tát ngồi thoải mái, người triệu phú biên địa thưa với ngài:

- Thưa đại triệu phú, khi nhận được thư của ngài, tôi đã gả con gái của tôi cho con trai ngài.

Bồ-tát dùng lời thân ái thích hợp nói về Katàhaka, khiến cho người triệu phú hết sức hân hoan. Nhưng từ đấy trở đi, Bồ-tát không thể ngó vào mặt của Katàhaka!

Một hôm, Bồ-tát cho gọi cô con gái của vị triệu phú và nói:

- Này con thân, hãy tìm và bắt giúp chấy trên đầu ta.

Cô con gái đến bắt giúp. Bồ-tát nói lời thân ái với người con gái đang đứng và hỏi:

- Con ta đối với con, khi vui khi buồn, xử sự có tốt đẹp chăng? Hai con sống có hoan hỷ, hòa hợp với nhau không?

- Thưa cha thân, anh con không có lỗi gì khác. Chỉ có tật hay chê bai đồ ăn thôi.

- Này con thân, nó luôn luôn có tánh xấu ấy. Nhưng cha sẽ chỉ cho con một cách để làm cho chồng con câm miệng. Con hãy học thuộc cách ta chỉ để trong giờ ăn, khi nào con ta mở miệng chê bai, con hãy đứng trước mặt chồng con và nói lên cách ta đã chỉ.

Nói vậy xong, Bồ-tát dạy cho cô học thuộc lòng bài kệ và ở lại đó vài ngày, rồi đi trở về Ba-la-nại. Katàhaka mang theo nhiều đồ ăn loại cứng và mềm, đi tiễn đưa ông chủ một chặng đường, cúng dường nhiều tài sản, đảnh lễ rồi trở về.

Từ khi Bồ-tát đi về, Katàhaka lại càng sanh lòng kiêu mạn. Một hôm, khi con gái vị triệu phú đem lại một món ăn rất ngon, mang muỗng đến và mời chồng ăn, Katàhaka bắt đầu chỉ trích món ăn. Cô liền đọc lên bài kệ mà Bồ-tát đã dạy:

Nó nói nhiều, đại ngôn,
Khi đến xứ sở lạ,
Vị ấy sẽ trở lui,
Và phá hoại tất cả,
Vậy Ka-tà-ha-ka,
Hãy ăn món này gấp!

Katàhaka suy nghĩ: "Ôi thôi! Chắc vị triệu phú đã nói cho nàng biết tên ta và kể lại toàn bộ câu chuyện rồi!"

Từ đó trở đi, anh ta không dám chê bai món ăn, cũng không dám kiêu mạn và với ý hạ mình, anh ta ăn các món được đem đến. Rồi về sau, khi từ trần, anh ta đi theo nghiệp của mình.

*

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, Katàhaka là Tỷ-kheo nói đại ngôn, còn vị triệu phú Ba-la-nại là Ta vậy.

(Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu, GS Trần Phương Lan dịch)

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Câu chuyện trong ngày 27-9-2010

TRÁI XOÀI (Tiền thân Amba)
Một người làm tốt cả bọn được nhờ

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Bà-la-môn làm đầy đủ các nhiệm vụ. Theo truyền thuyết, con trai một thương gia ở Xá Vệ hiến dâng tâm trí cho Chánh pháp và xuất gia làm đầy đủ các nhiệm vụ. Vị ấy làm tốt các bổn phận đối với Sư trưởng, đối vối Giáo thọ, các nhiệm vụ về đồ ăn uống, nhà họp Bố-tát, nhà tắm v.v... hoàn toàn đầy đủ trong mười bốn nhiệm vụ quan trọng và tám mươi nhiệm vụ nhỏ. Vị ấy thường hay quét tinh xá, quét phòng riêng, hành lang, con đường đưa đến tinh xá, đem nước cho những người khát. Dân chúng hoan hỷ vì sự vẹn toàn nhiệm vụ của vị này nên đã cúng dường năm trăm phần ăn hàng ngày cho chúng Tăng và đem lại lợi dưỡng danh vọng lớn cho tinh xá. Nhờ vị này, nhiều người được thoải mái lạc trú trong tinh xá.

Rồi một hôm, các Tỷ-kheo họp ở Chánh pháp đường, bắt đầu câu chuyện:

- Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo tên ấy, thành tựu các nhiệm vụ của mình, đã tạo nên lợi dưỡng danh vọng lớn. Chỉ nhờ một mình người ấy, nhiều người đã đạt được lạc trú.

Thế Tôn đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi nói vấn đề gì, và khi được biết vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này làm đầy đủ nhiệm vụ. Thuở xưa, chỉ nhờ một mình người ấy, năm trăm ẩn sĩ đi hái trái cây đã được cung cấp các trái cây do người ấy đem lại.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở phương bắc, và khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia làm vị ẩn sĩ được vây quanh với năm trăm ẩn sĩ sống dưới chân núi.

Thời ấy, ở núi Hy-mã (Tuyết Sơn), một nạn hạn hán khắc nghiệt đã xảy ra, chỗ này chỗ kia nước uống bị thiếu hụt, các loài thú không có nước uống cảm thấy khổ cực. Một vị trong số những người tu khổ hạnh ấy, thấy các loài thú đau khổ vì khát nước, đã đốn một cây làm thành cái máng, chắt chiu tất cả nước uống đựng đầy cái máng và cho chúng uống nước.

Các loài thú tập hợp rất nhiều, và trong khi cho chúng uống nước, người tu khổ hạnh không có thì giờ để đi hái trái. Dầu không có thức ăn, vị ấy vẫn cho chúng uống nước. Ðàn thú suy nghĩ: "Vị này vì cho chúng ta uống nước, không có thì giờ để hái quả. Vì không có thức ăn, vị ấy trở thành mỏi mệt. Vậy chúng ta hãy giao ước với nhau như sau: Bắt đầu từ hôm nay, những ai đến uống nước, hãy tùy theo sức mình, hái các loại trái cây và đem lại cúng dường vị tu khổ hạnh".

Từ đó về sau, mỗi con mỗi thứ, hái các loại trái ngọt như xoài, đào, mít v.v... đem đến cho vị tu khổ hạnh đựng đầy hai trăm năm mươi cỗ xe. Như vậy, năm trăm vị khổ hạnh ăn uống đầy đủ, và có đồ dư để dành nữa. Thấy vậy, Bồ-tát nói:

- Như vậy chỉ nhờ một người làm đầy đủ nhiệm vụ nên được cung cấp trái cây v.v... đủ số lượng cho các vị tu khổ hạnh khác. Thật vậy, chúng ta cần phải luôn tinh tấn làm thiện sự.

Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ:

Này, người hãy tinh tấn,
Bậc hiền trí không nản,
Xem quả của tinh tấn,
Xoài được ăn thỏa thích.

*

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, vị tu khổ hạnh làm đầy đủ nhiệm vụ là Tỷ-kheo, và bậc Ðạo Sư hội chúng là Ta vậy.

(Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu, GS Trần Phương Lan dịch)
Câu chuyện trong ngày Chủ Nhật 26-9-2010

CÁI CÁN CÀY (Tiền thân Nangalisa)
Nói điều không thích hợp là dấu hiệu của người thiếu trí

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng lão Làludàyi (Udàyi khờ khạo). Theo truyền thuyết, khi nói, Trưởng lão ấy không biết cái gì thích ứng, cái gì không thích ứng: Trong trường hợp này, nên nói cái này, trong trường hợp này, không nên nói cái này. Nếu chúc lễ hội điềm lành, Trưởng lão nói lên điềm gở. Ngang qua các đường đi, tại các ngã đường dân chúng đứng, nếu là lễ tang, Trưởng lão nói lời tùy hỷ điềm vui. Một hôm, tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo khởi lên câu chuyện:

- Này các Hiền giả, Làludàyi không biết cái gì thích ứng, cái gì không thích ứng.

Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi tụ họp đang bàn luận vấn đề gì?

Khi biết đề tài câu chuyện, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Làludàyi nói lời đần độn, không biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói. Thuở trước, vị ấy cũng như vậy rồi. Vị ấy luôn luôn ngu đần.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Ðến tuổi trưởng thành Bồ-tát đi học ở Takkasilà, trở thành một vị Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương ở Ba-la-nại và Bồ-tát dạy nghề cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn.

Lúc bấy giờ, trong các thanh niên Bà-la-môn ấy, có một thanh niên đần độn hay nói lời ngớ ngẩn, vì bản tánh đần độn nên không học nghề được. Thanh niên ấy hầu hạ Bồ-tát, làm mọi công việc như người nô lệ. Một hôm, vào buổi chiều, sau khi ăn xong, Bồ-tát đang nằm nghỉ trên giường, thanh niên ấy đến xoa bóp tay chân và lưng ngài. Khi anh ta làm xong định đi, thì Bồ-tát nói:

- Này con thân, chêm cao chân cái giường lên.

Thanh niên ấy chêm được một chân giường lên cao, còn chân kia không tìm được đồ chêm giường, anh ta dùng bắp vế của mình làm đồ chêm giường và trải qua một đêm như vậy. Vào buổi sáng thức dậy, Bồ-tát thấy vậy liền hỏi:

- Này con thân, con ngồi làm gì đây?

- Thưa Sư trưởng, con không tìm thấy đồ chêm giường nên dùng bắp vế thay vào và ngồi ở đây.

Bồ-tát cảm thấy xúc động, suy nghĩ: "Nó là người thị giả rất chí thành của ta, nhưng so với các thanh niên Bà-la-môn, nó là đứa đần độn, không thể học được nghề, vậy ta hãy giúp cho nó trở thành người có trí". Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Nay có phương tiện này, ta sẽ đưa thanh niên Bà-la-môn này đi nhặt củi và lá. Khi nó về, ta sẽ hỏi: Hôm nay con đã thấy gì làm gì? Chắc nó sẽ trả lời: Hôm nay con thấy cái này, làm cái này; rồi ta sẽ hỏi: Ðiều con thấy, con làm, giống cái gì? Nó sẽ dùng ví dụ, tìm lý do để nói: Con thấy như thế này ... Ðiều ấy khiến nó nói ví dụ và lý do mới hoài. Với phương tiện này ta có thể làm cho nó trở thành người có trí". Nghĩ vậy, Bồ-tát kêu anh ta lại và nói:

- Này con thân, bắt đầu từ hôm nay, con hãy đi lượm củi và lá, và tại chỗ con đi, con thấy cái gì, ăn cái gì, uống cái gì, nhai cái gì, lúc về con hãy báo cáo cho ta biết.

Anh ta vâng theo lời dạy. Một hôm anh ta đi vào rừng để lượm củi và lá cùng với các thanh niên Bà-la-môn khác, anh ta thấy một con rắn. Khi về anh ta báo cáo lại:

- Thưa Sư trưởng, con có thấy con rắn.

- Này con thân, con rắn giống cái gì?

- Nó giống cán cày.

Bồ-tát nói:

- Tốt lắm, này con thân, các ví dụ con trình bày rất hợp lý, con rắn thật giống như cái cán cày.

Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Các ví dụ do thanh niên này trình bày rất hợp lý. Ta có thể làm cho người này thành người có trí".

Lại một ngày khác, thanh niên Bà-la-môn này thấy con voi trong rừng, và đi về thưa:

- Thưa Sư trưởng, con có thấy con voi.

- Này con thân, con voi giống cái gì?

- Nó giống như cái cán cày.

Bồ-tát suy nghĩ: "Cái vòi voi giống như cán cày. Cái ngà voi cũng vậy. Người này phân tích một cách ngu si, không thể nói như vậy". Nghĩ vậy Bồ-tát giữ im lặng.

Rồi một hôm được mời đi ăn mía, anh ta về thưa:

- Thưa Sư trưởng, hôm nay con được ăn mía.

- Cây mía giống cái gì?

- Thưa, giống cái cán cày. Anh ta nói.

Vị Sư trưởng suy nghĩ "Nó nói cũng có một phần đúng", nên giữ im lặng. Lại nữa, một hôm được mời cùng một số thanh niên ăn đường cục với sữa đông và uống sữa, khi về anh ta thưa:

- Thưa Sư trưởng, hôm nay chúng con được ăn sữa đông và uống sữa.

Khi được hỏi về sữa đông và sữa giống cái gì, anh ta trả lời:

- Thưa, giống cái cán cày.

Vị Sư trưởng suy nghĩ: "Thanh niên Bà-la-môn này khi nói: con rắn giống cái cán cày, vậy là khéo. Khi nó nói: con voi giống như cái cán cày, vì liên hệ đến cái vòi, là nói một cách gượng ép. Khi nó nói cây mía giống như cái cán cày, vậy cũng là nói hơi gượng ép. Còn sữa đông và sữa luôn luôn màu trắng, lấy theo hình dáng đồ vật chúng được đặt vào, vậy cái ví dụ nó nói hoàn toàn không thể chấp nhận. Ta không thể dạy cho kẻ ngớ ngẩn này học được.

Nghĩ xong, Bồ-tát nói lên bài kệ:

Kẻ ngu nói hạn chế,
Tại chỗ không hạn chế,
Nó không biết sữa đông,
Cũng không biết cán cày,
Nó nghĩ là sữa đông,
Giống như cái cán cày.

*

Sau khi nghe pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân như sau:

- Thời ấy, thanh niên ngớ ngẩn là Làludàyi, và Sư trưởng có danh nhiều phương là Ta vậy.
(Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu, GS Trần Phương Lan dịch)

Thảo luận

1. Lời khéo nói và lời đãi bôi khác nhau thế nào?
2. Theo Phật Pháp thì những yếu tố gì khiến cho ngôn từ được gọi là khéo nói?
3. Những người thường nói lời "vô duyên" phải chăng là do quả của nghiệp quá khứ?
4. Lời nói chân chính, trực ngôn làm phật lòng người ác quấy có tạo quả bất thiện chăng?

Câu chuyện trong ngày 25-9-2010

THẦN CÂY CỎ KUSA (Tiền thân Kusanàli)
Thân tình không nằm ở đẳng cấp xã hội

Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người bạn chân thật của ông Cấp Cô Ðộc. Các thân hữu, bạn bè quen biết, các thân tộc của ông Cấp Cô Ðộc ngăn chận ông:

- Thưa Ðại trưởng giả, người này không ngang bằng, không hơn Trưởng giả về thọ sanh, dòng họ, tài sản, ngũ cốc. Trưởng giả chớ chơi thân với người ấy.

Cấp Cô Ðộc trả lời:

- Tình bạn thân chớ nên dựa vào sự so sánh thấp hơn, bằng nhau hay cao hơn.

Trưởng giả không nghe lời can ngăn, và đi về làng mà Trưởng giả làm thôn trưởng, mời người ấy làm quản lý gia sản của mình. Mọi việc xảy ra như trong chuyện Tiền thân Kàlakanni (số 83). Nhưng trong trường hợp này, khi Trưởng giả tường thuật sự việc xảy đến cho nhà mình lên bậc Ðạo Sư, Ngài nói:

- Này gia chủ, một người bạn chân thật không bao giờ nhỏ hơn. Ở đây, sự đo lường tình bạn nằm ở khả năng bảo vệ tình bạn. Một người bạn chân thật bằng mình hay kém hơn mình phải được xem là cao hơn. Tất cả người bạn ấy sẽ giải quyết gánh nặng, sự khó khăn đã dành cho mình. Nay chính nhờ người bạn chân thật của mình mà gia chủ đã cứu được tài sản của mình. Thuở trước, bạn bè chân thật đã cứu được cung điện của một thần cây.

Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm vị thần một khóm cỏ lau Kusa trong công viên của vua. Trong công viên ấy gần nơi tấm đá vua thường ngồi, có một cây mơ ước, thân cây cao thẳng, cành lá sum suê, rất được vua ưa thích. Tại đấy sanh ra một thần cây, trước kia là một ông vua có uy quyền lớn. Bồ-tát là bạn thân với thần cây ấy.

Lúc bấy giờ, vua sống trong lâu đài được một cột trụ chống đỡ, nhưng cây cột ấy bị lung lay. Tình trạng ấy được báo lên vua. Vua cho gọi thợ mộc và bảo:

- Cột trụ độc nhất chống đỡ lâu đài của trẫm bị lún, hãy lấy một cây cột khác, có lõi cứng rắn thay vào.

Tốp thợ mộc vâng theo lời vua, đi tìm một cây thích hợp, nhưng chưa tìm được. Họ đi vào công viên, thấy cây ước mơ liền đến yết kiến vua. Khi vua hỏi có tìm được cây nào thích hợp không, họ thưa:

- Tâu Ðại vương, chúng tôi đã thấy, nhưng không dám đốn cây ấy.

Ðược vua hỏi vì sao, họ thưa:

- Chúng tôi không tìm thấy một cây nào khác nên đã đi vào công viên. Tại đấy trừ cây điềm lành của vua, chúng tôi không tìm thấy cây nào khác. Nhưng chúng tôi không dám đốn cây điềm lành ấy.

- Hãy đốn cây ấy và làm trụ cột cho lâu đài của trẫm. Trẫm sẽ trồng một cây điềm lành khác.

Các người ấy vâng lời, đem theo đồ cúng thần, đi đến công viên, dâng lễ vật cúng cho cây, trình thần cây biết ngày mai sẽ đốn cây, rồi đi về. Nữ thần cây biết được sự việc này suy nghĩ: "Ngày mai, nhà ở của ta bị hủy hoại, rồi ôm các con, ta sẽ đi đâu bây giờ?

Nữ thần cây không tìm thấy chỗ cần đi, phải cõng con trên lưng rồi khóc. Các thần rừng, bạn bè thân thích của nữ thần cây ấy, tới hỏi nguyên do. Sau khi nghe sự việc, thấy mình không có phương tiện gì để chận tay các người thợ mộc lại, liền ôm nữ thần cây ấy và bắt đầu khóc. Lúc bấy giờ Bồ-tát đi đến thăm nữ thần cây, biết được sự việc liền nói:

- Chớ lo nghĩ, ta sẽ không để cho chặt cây. Ngày mai, khi thợ mộc đến, ta sẽ có cách đối phó.

Ngày hôm sau khi tốp thợ mộc đến, Bồ-tát hóa làm con cắc kè đến trước thợ mộc, chui vào giữa rễ của cây điềm lành, làm cho cây ấy như trống rỗng, cắc kè leo lên chính giữa cây, chui ra khỏi đầu thân cây rồi nằm xuống, lắc đầu qua lại. Người tổ trưởng thợ mộc thấy vậy, lấy tay đập vào thân cây và nói:

- Cây này trống rỗng, không có lõi. Bữa qua, không nhìn kỹ, chúng ta đã làm lễ cúng dâng.

Rồi anh ta bỏ đi, đầy khinh bỉ đối với cây to lớn mà không chắc ấy. Như vậy, nữ thần cây nhờ Bồ-tát, vẫn làm chủ chỗ ở của mình. Và nhiều thần cây thân hữu quen biết tụ họp để chúc mừng nàng. Nữ thần cây hài lòng với vị thần đã cho nàng trú xứ, giữa các vị thần ấy, nàng tán thán công đức của Bồ-tát:

- Thưa chư thần, chúng ta có phước đức, có quyền lực lớn, nhưng với trí tuệ chậm chạp, không biết phương tiện này. Còn vị thần khiêm tốn của cây cỏ lau, với trí thông minh của mình, đã cho chúng ta làm chủ ngôi nhà của chúng ta. Thật vậy, chúng ta cần phải làm bạn với các vị bằng ta, hơn ta, và thua ta. Tất cả các vị, tùy theo sức mạnh của mình, có thể các bạn thoát khỏi đau khổ, và an trú trong hạnh phúc.

Sau khi tán thán tình bạn, nữ thần cây nói bài kệ này:

Hãy để cho tất cả
Bằng, hơn hay thua ta,
Làm hết sức của mình,
Trong thời hoạn nạn đến
Như ta được giúp đỡ
Nhờ thần cây cỏ lau!

Do vậy, những ai muốn giải thoát khỏi đau khổ, chớ phân biệt bạn bằng ta hay hơn ta, hãy làm bạn với những bậc có trí dù địa vị ra sao.

Như vậy, nữ thần cây thuyết pháp cho chư thần với bài kệ này. Nàng sống cho đến trọn đời, và sau cùng với vị thần của cây cỏ lau, mạng chung rồi đi theo nghiệp của mình.

*

Sau khi nói lên pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:

- Thời ấy, nữ thần cây là Ànanda, còn thần cây cỏ lau là Ta vậy.

(Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu, GS Trần Phương Lan dịch)

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Câu chuyện trong ngày 24-9-2010

BỘT TRẤU ÐỎ (Tiền thân Kundakapùva)
Tâm Phật Không Đâu Không Từ Bi

Câu chuyện này, khi trú ở Xá vệ, bậc Ðạo sư đã kể về một người rất nghèo khổ. Ở Xá vệ, khi thì chỉ một gia đình cùng dường chúng Tăng với đức Phật là vị cầm đầu, khi thì ba bốn gia đình họp lại, khi thì cả thành chung đóng góp cúng dường. Nhưng nay là cả con đường chung sức lại cúng dường các thức ăn với cháo và bánh.

Lúc bấy giờ, có một người rất nghèo khổ, làm thuê cho các người khác, cũng ở trong con đường ấy, tự nghĩ: "Ta không thể cúng dường cháo. Ta cúng dường bánh vậy!" Anh ta cạo lấy bột đỏ của vỏ trấu mềm, nhào với nước, gói bánh ấy trong ngọn lá bạch vi rồi nướng bánh trong than đỏ, với ý định đem cúng dường đức Phật. Khi mới nghe nói: hãy đem bánh đến cúng dường, anh ta liền đến trước tất cả mọi người, và bỏ các bánh trong bát bậc Ðạo sư. Bậc Ðạo sư không nhận lấy bánh của những ngưởi khác, chỉ ăn các bánh của anh ta. Khi ấy, toàn thành đều đồn vang:

- Bậc Chánh Ðẳng Giác không khinh chê bánh làm bằng bột trấu đỏ của người nghèo khổ và đã ăn bánh ấy.

Khi ấy, từ vua, đại thần... cho đến các người gác cửa, tất cả đều hội họp lại, đảnh lễ bậc Ðạo sư, rồi đi đến người nghèo khổ ấy và nói:

- Hãy lấy đồ ăn, hãy lấy hai trăm, hãy lấy năm trăm đồng tiền, nhưng cho chúng tôi công đức cúng dường bánh ấy.

Người nghèo khổ nghĩ: "Phải hỏi bậc Ðạo sư rồi ta mới quyết định".

Anh ta đi đến bậc Ðạo sư và thưa lại câu chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói:

- Hãy lấy toàn bộ tài sản họ cho, nhưng hồi hướng công đức ấy về cho tất cả chúng sanh.

Anh ta bắt đầu nhận tiền. Một số người ấy cho gấp hai, gấp bốn, gấp tám kẻ khác... Như vậy, cho đến khi anh ta nhận được chín trăm ngàn tiền vàng. Bậc Ðạo Sư nói lời tùy hỷ, rồi đi về tinh xá. Sau khi nói lên những công việc phải làm và khuyến giáo lời tốt lành cho các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư đi vào Hương phòng.

Vào buổi chiều, vua cho gọi người nghèo khổ ấy đến và mời anh ta làm quan giữ kho bạc cho vua. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường bắt đầu câu chuyện như sau:

- Này các Hiền giả, bậc Ðạo sư đã ăn bánh bằng bột trấu đỏ của người nghèo khổ như ăn món bất tử. Nhờ vậy, nguời nghèo khổ được nhiều tiền và được địa vị làm quan giữ kho bạc, được nhiều phước lộc lớn lao.

Bậc Ðạo sư đến hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn luận vấn đề gì. Ðược biết vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới không khinh chê và ăn bánh làm bằng bột trấu đỏ của người ấy. Thuở trước, khi làm thần cây, ta cũng đã ăn như vậy rồi. Và cũng nhờ Ta mà kẻ ấy được chức vụ làm quan giữ kho bạc.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở trước, vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh làm vị thần cây trên cây dầu đu đủ. Lúc bấy giờ, những người trong ngôi làng ấy tin tưởng sức mạnh thiêng liêng của các vị thần. Trong một lễ hội, người ta làm nhiều lễ vật để cúng các thần cây. Có một người nghèo khổ thấy các người ấy sửa soạn cúng dường các thần cây, cũng sắp đặt cúng dường thần cây dầu đu đủ.

Các người ấy đi đến, mang theo vòng hoa, hương, hương liệu, các món bánh... Còn anh ta chỉ đem theo bánh làm bằng bột trấu đỏ, và nước đựng trong cái gáo dừa. Anh ta đi đến, đứng xa cây dầu đu đủ và nghĩ: "Các vị thần ăn bánh chư Thiên. Thần của ta sẽ không ăn bánh làm bằng bột trấu đỏ này. Sao ta làm phí mất các bánh này? Ta hãy ăn nó đi!". Nghĩ vậy, anh ta quay trở về. Bồ tát đứng trên nhánh chĩa ba của cây, nói lớn:

- Này ông bạn tốt ơi! nếu bạn là người có quyền thế, bạn sẽ cúng dường ta bánh ngon bánh ngọt. Nhưng bạn nghèo khổ, nếu ta không ăn bánh làm bằng bột trấu đỏ, thì ta sẽ ăn cái gì khác được? Chớ làm mất phần của ta.

Nói vậy xong, Bồ tát đọc bài kệ:

Người cúng ăn thứ gì,
Thần cũng ăn thứ ấy,
Ðem lại bánh bột trấu,
Chớ làm mất phần ta!

Anh ta quay trở lại, nhìn thấy Bồ tát rồi dâng vật cúng Bồ tát, ăn chất dinh dưỡng từ bánh ấy, rồi nói với anh ta.

- Này bạn, vì mục đích gì bạn cúng dường ta?

- Thưa ngài, tôi là người nghèo khổ. Tôi cúng dường với mục đích nhờ ngài giúp tôi thoát cảnh nghèo khổ này.

- Này bạn, chớ có lo nghĩ việc ấy nữa. Bạn đã cúng dường cho một vị thần biết ơn nghĩa, và nhớ đến các việc làm tốt. Nhiều ghè chứa châu báu được chôn xung quanh cây dầu đu đủ này. Chúng được xếp hàng, cổ ghè này chạm cổ ghè khác. Hãy báo cho vua biết, dùng cỗ xe chở tài sản, chất đống tại sân chầu vua. Vua sẽ bằng lòng bạn và cho bạn chức quan giữ kho bạc.

Sau khi nói xong, Bồ tát biến mất. Anh ta làm như Bồ tát dặn và được vua ban cho chức quan giữ kho bạc. Như vậy, nhờ Bồ tát, anh ta đạt được nhiều phúc lợi lớn và khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình.

*

Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền thân như sau:

- Kẻ nghèo khổ thời ấy là kẻ nghèo khổ hiện tại, và thần cây dầu đu đủ là Ta vậy.

( Câu Chuyện Tiền Thân - HT Thích Minh Châu dịch)

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Câu chuyện trong ngày 23-9-2010

ÐIM LÀNH CA TÊN (Tin thân Nàmasiddhi)

Mèo li hoàn mèo


Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo tin vào sự tác thành của cái tên gọi. Tương truyền, một thiện nam trẻ tên là Papaka (Người ác), có tâm tín thành vào Giáp pháp, và xuất gia. Khi các Tỷ-kheo gọi:

- Hãy đến, Hiền giả Papaka! Hãy đứng lại, Hiền giả Papaka.

Tỷ-kheo ấy nghĩ: "Ở đời, tên Papaka có nghĩa là ác độc, là lời nguyền rủa. ta cần phải đặt một tên khác có liên hệ đến điều lành".

Tỷ-kheo ấy đến vị sư trưởng và giáo thọ sư và thưa:

- Thưa các Tôn giả, tên của con chỉ điềm xấu. Hãy đặt cho con một cái tên khác.

Hai vị ấy nói với Tỷ-kheo:

- Này Hiền giả, cái tên chỉ để gọi thôi, không có nghĩa thành tựu mục đích. Hãy tự bằng lòng với cái tên mình.

Tỷ-kheo ấy lại yêu cầu nhiều lần. Chúng tăng biết được Tỷ-kheo ấy tin tưởng vào điềm lành của tên. Một hôm, các Tỷ-kheo ngồi họp ở Chánh pháp đường, và bắt đầu câu chuyện như sau:

- Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo ấy tin tưởng vào điềm lành của tên, yêu cầu đặt một tên liên hệ đến điềm lành.

Bậc Ðạo Sư đi đến Chánh pháp đường hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mới như vậy. Xưa kia, Tỷ-kheo ấy cũng tin tưởng điềm lành của tên.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, tại Takkasilà, Bồ-tát là một vị Sư trưởng có danh tiếng ở nhiều phương, và năm trăm thanh niên Bà-la-môn đến học Vệ đà, học thuộc lòng. Một thanh niên trong bọn có tên Pàpaka (Kẻ độc ác). Ðược nghe gọi: Hãy đến Pàpaka, hãy đi Pàpaka. Anh ta suy nghĩ: "Tên của ta là một điềm xấu, ta hãy xin đổi một tên khác".

Thanh niên đi đến gặp sư trưởng và thưa:

- Thưa sư trưởng, tên của con là một điềm xấu. Hãy đặt cho con một cái tên khác có tính cách tốt đẹp.

Sư trưởng nói:

- Hãy ra đi, này con thân. Hãy đi trong cả nước tìm được một tên có điềm lành mà con thích, rồi trở về đây, ta sẽ đổi tên cho con.

Chàng thanh niên vâng lời, đem theo lương thực lên đường, đi từ làng này sang làng khác và đến một thành phố. Tại đấy, có một người đã chết tên là Jìvaka (người sống). Anh ta thấy người chết được những bà con đưa đến nghĩa địa bèn hỏi:

- Người ấy tên chi.

- Tên là Jìvaka.

- Jìvaka mà cũng chết ư?

- Jìvaka cũng chết. Ajivaka (Không sống) cũng chết. Cái tên chỉ dùng để gọi thôi. Hình như ông là người khùng thì phải.

Nghe nói vậy, chàng thanh niên cảm thấy hơi yên tâm với cái tên của mình và đi vào trong thành. Bấy giờ một tỳ nữ, vì không đem tiền công về, bị những người chủ bắt ra ngồi ngoài đường, đánh nó với dây roi. Tên của người nữ tỳ ấy là Dhanapàli (Người giàu có). Ðang đi giữa đường thấy nữ tỳ bị đánh, anh ta hỏi:

- Vì sao đánh người này?

- Vì nó không đem tiền công về.

- Tên cô ta là gì?

- Tên nó là Dhanapàli (Người giàu)

- Với tên Dhanapàli, cô ta lại không thể cho tiền công sao?

- Dhanapàli hay Adhanapàli (Không giàu), chúng đều nghèo khổ. Cái tên chỉ dùng để gọi thôi. Ông hình như khùng thì phải.

Anh ta càng thấy yên tâm hơn nữa với cái tên của mình.

Ði ra khỏi thành, giữa đường anh ta gặp một người đi lạc. Thấy và biết người ấy lạc đường, chàng thanh niên hỏi tên người ấy:

- Nhưng ông tên à gì?

- Tên tôi là Panthaka (Người chỉ đường)

- Tên là Panthaka mà lại lạc đường sao?

- Panthaka hay Apanthaka (Lạc đường) đều có thể lạc đường. Cái tên chỉ để gọi thôi. Hình như ông khùng thì phải!

Khi ấy, chàng thanh niên Bà-la-môn hoàn toàn yên tâm với cái tên của mình. Anh ta đi về, gặp Bồ-tát và được Bồ-tát hỏi đã tự bằng lòng với cái tên gì chưa mà trở về, anh ta trả lời:

- Thưa Sư trưởng, Jìvaka hay Ajìvaka đều chết. Dhanapali ha Adhanapali đều nghèo. Panthaka hay Apanthaka đều lạc đường. Cái tên chỉ để gọi thôi. Cái tên không tác thành công việc. Cái tên không làm nên công việc. Vì thế con bằng lòng với tên mình và không muốn đổi tên khác nữa.

Bồ-tát kết hợp điều người thanh niên Bà-la-môn ấy đã thấy và điều người ấy đã làm, rồi nói lên bài kệ này:

Thấy Ji-va-ka chết,
Dha-na-pa-li nghèo,
Và thấy Pan-tha-ka
Ði lạc ở trong rừng,
Pa-pa-ka bằng lòng
Trở về với tên mình.

*

Sau khi kể chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư nói thêm:

- Này các Tỷ-kheo, nay cũng như trong quá khứ, Tỷ-kheo ấy tin ở nơi sự tác thành của tên.

Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, kẻ tin sự tác thành của tên cũng là Tỷ-kheo hiện nay tin sự tác thành của tên. Hội chúng của sư trưởng là hội chúng của đức Phật, còn sư trưởng là Ta vậy.
Câu chuyện trong ngày 22-9-2010

BÁT DẦU (Tiền thân Telapatta)
Ý thức được hiểm họa không phải là điều dễ

Câu chuyện này, khi ở tại một rừng cây gần thị trấn Desaka nước Sumedha, bậc Ðạo Sư đã kể về Kinh Janapada-Kalyani. Tại đấy, Thế Tôn nói:

- Này các Tỷ-kheo, ví như một đại chúng tụ họp lại và la to: Hoan hô cô gái đẹp địa phương múa và hát tuyệt diệu! Khi ấy, một người đàn ông đến, muốn sống không muốn chết, muốn an lạc không muốn khổ. Họ nói với người ấy: "Này gã kia, chú hãy mang bát dầu đầy vun này đi giữa đám đông và cô gái đẹp địa phương. Một người đàn ông với cây kiếm giơ cao đi sau lưng chú. Chỗ nào chú làm đổ một ít dầu ra, ngay chỗ ấy, nó sẽ chém đầu chú". Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể không tác ý đến bát dầu ấy, mang đi với tâm phóng dật hướng ngoại không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Này các Tỷ-kheo, đây là ví dụ ta dùng để làm ý nghĩa được rõ ràng. Và ý nghĩa này ở đây là như sau: Bát dầu đầy vun, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân hành niệm. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: Thân hành niệm cần phải được chúng tôi tu tập và khéo hành trì. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập!

Rồi bậc Ðạo Sư nói lên Kinh Janapadakalyani này.

Sau khi nói kinh này, Thế Tôn lại nói thêm:

- Vị Tỷ-kheo muốn tu tập thân hành niệm, cũng giống như người đàn ông ấy với bàn tay bưng bát dầu. Phải nắm giữ niệm, không phóng dật. Tu tập thân hành niệm cần phải như vậy.

Các Tỷ-kheo, nghe kinh này xong, và hiểu ý nghĩa kinh bèn nói như sau:

- Bạch Thế Tôn, thật khó làm đối với người ấy không nhìn cô gái đẹp địa phương, vừa bưng bát dầu vừa đi.

Bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, làm như người đàn ông ấy không khó lắm, mà hình là dễ làm. Vì sao? Vì kẻ ấy được một người đi theo dọa nạt với cây gươm giơ cao. Nhưng thật rất khó cho những bậc hiền trí thuở xưa, không phóng dật, không bỏ niệm, chế ngự các căn, không nhìn sắc đẹp hoàn mỹ của Thiên nữ được hóa sanh, vẫn đi và đạt được quốc độ.

Sau khi nói vậy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm người con trai trẻ nhất trong một trăm người con của vua, dần dần đến tuổi trưởng thành. Thời ấy, các vị Phật Ðộc Giác thường đến dùng cơm trong cung điện của vua và Bồ-tát phục vụ các vị ấy. Một hôm Bồ-tát suy nghĩ: "Ta có rất nhiều anh, không biết ta có được vương quốc thuộc gia sản trong thành này hay không? Nếu hỏi các vị Phật Ðộc Giác, ta sẽ biết".

Vào ngày kế tiếp, khi các vị Phật Ðộc Giác đến, Bồ-tát đem lại bình thủy, lọc nước rửa chân cho các vị ấy và lau khô. Ăn xong, khi các vị ấy đang ngồi, Bồ-tát đảnh lễ, ngồi xuống một bên và hỏi vấn đề ấy. Các Phật Ðộc Giác trả lời:

- Này hoàng tử, ngài sẽ không được vương quốc trong thành phố này. Từ đây cách xa khoảng hai ngàn dặm, tại nước Gandhara, có một thành phố tên là Takkasilà. Nếu hoàng tử có thể đến đó trong vòng bảy ngày, ngài sẽ được vương quốc. Nhưng có sự nguy hiểm trên con đường đi đến đó, nếu như đi thẳng con đường dài năm mươi dặm, ngài phải ngang qua khu rừng lớn. Bằng cách đi vòng khu rừng ấy, thì con đường dài đến một trăm dặm. Ðó là khu rừng hoang vu có phi nhân ở. Giữa quãng đường rừng, các nữ Dạ-xoa dựng lên những căn nhà. Dưới cái tàn có trang hoàng bằng những ngôi sao vàng lấp lánh, chúng bày một cái giường lớn, quí giá, xung quanh có màn treo đẹp đẽ, với nhiều màu sắc tuyệt diệu. Chúng tô điểm với đồ trang sức chư Thiên và ngồi trong các căn nhà ấy. Khi có những người đàn ông đi đến, chúng cám dỗ, kêu gọi với những lời dịu ngọt. Các người có vẻ mệt mỏi, hãy đến đây, ngồi xuống uống nước rồi đi! Với những ai đến đó, các nữ Dạ xoa đều mời ngồi, làm họ khởi dậy lòng tham dục với sắc đẹp mỹ miều của chúng, khiến họ bị ái dục chi phối. Khi họ hành lạc với chúng, ngay khi ấy, các nữ Dạ-xoa ăn thịt họ với máu còn nhỏ giọt, chấm dứt mạng sống của họ. Những ai đam mê tiếng, chúng lấy lời ca điệu nhạc dịu ngọt cám dỗ. Những ai đam mê hương, chúng lấy thiên hương cám dỗ. Những ai đam mê vị, chúng lấy các món ăn chư Thiên hảo hạng cám dỗ. Những ai đam mê xúc, chúng lấy giường chư Thiên với nệm đỏ hai đầu cám dỗ. Nhưng nếu hoàng tử nhiếp phục được các căn, cương quyết không nhìn chúng, an trú chánh niệm mà đi, đến ngày thứ bảy, ngài sẽ nhận được vương quốc tại đây.

Bồ-tát thưa:

- Thưa các Tôn giả, mong sự việc là như vậy. Sau khi nhận lãnh lời khuyến giáo của các Tôn giả, làm sao chúng tôi lại nhìn các nữ Dạ-xoa ấy?

Sau khi nhờ các vị Phật Ðộc Giác chú nguyện, mang theo cát làm bùa, sợi dây làm bùa, Bồ-tát đảnh lễ các vị Phật Ðộc Giác và mẹ cha, rồi đi về nhà nói với những người hầu hạ của mình:

- Ta đi Takkasilà để lấy vương quốc, các bạn hãy ở lại đây.

Năm người xin được cùng đi với Bồ-tát, ngài nói:

- Các bạn không thể đi được, nghe nói giữa đường các nữ Dạ-xoa thấy những người tham sắc v.v... chúng sẽ dùng sắc v.v... khiến họ sanh lòng ái dục, rồi bắt lấy những ngưòi ấy. Sự nguy hiểm thật lớn, nhưng ta tự tin vào ta và ta sẽ đi.

- Thưa hoàng tử, làm sao đi với ngài, chúng tôi lại nhìn sắc đẹp khả ái ấy? Chúng tôi sẽ đi đến đấy.

Bồ-tát nói:

- Vậy các bạn chớ phóng dật, phải quyết tâm.

Bồ-tát đem theo năm người ấy và lên đường. Các nữ Dạ-xoa tạo nên các làng v.v... và ngồi chờ.

Một người tham sắc trong bọn họ nhìn các nữ dạ-xoa ấy, bị trói buộc bởi sắc đẹp của chúng, nên đi chậm lại sau Bồ-tát nói:

- Sao bạn đi chậm ra sau?

- Thưa Hoàng tử, chân của tôi đau. Sau khi ngồi nghỉ ở căn nhà kia một lát, tôi sẽ đi.

- Này bạn, chúng là nữ dạ-xoa, chớ có tham đắm chúng.

- Dầu sự việc là vậy, thưa Hoàng tử, tôi cũng không thể đi nữa.

- Nếu vậy, bạn sẽ thấy sự việc sẽ xảy ra như thế nào!

Nói xong, Bồ-tát đem bốn người kia đi. Người tham đắm sắc đi đến gần các nữ Dạ-xoa. Khi người ấy bắt đầu hành lạc với chúng, chúng liền giết chết để ăn thịt. Rồi chúng đi về phía trước, tạo lên một căn nhà khác, đem theo nhiều loại nhạc khí ngồi hát.

Ở đấy, người tham đắm tiếng đi chậm lại sau. Các nữ Dạ-xoa ăn thịt kẻ ấy, rồi đi tới trước, mở một quán hàng, bày đầy các hộp hương thơm và ngồi đợi. Ở đấy, người ham mê hương đi chậm lại. Các nữ Dạ-xoa ăn thịt kẻ ấy, rồi đi về phía trước, mở một quán bán đồ ăn, bày những chén bát mâm dĩa đựng nhiều món ăn hảo hạng của chư Thiên và chúng ngồi đợi tại đấy. Người tham đắm các vị, khi đi đến đấy, bèn đi chậm lại, rồi cũng bị ăn thịt. Khi chỉ còn một mình Bồ-tát, một nữ Dạ-xoa nói:

- Người này dầu có kiên trì mấy đi nữa, ta cũng sẽ ăn thịt nó và đi trở về.

Rồi nữ Dạ-xoa đi sau lưng Bồ-tát. Các người thợ làm rừng ở các khu vực khác trong rừng thấy nữ Dạ-xoa, liền hỏi:

- Người đàn ông đi trước nàng là ai vậy?

- Thưa các ông, đấy là người chồng trẻ thanh lịch của tôi.

- Này bạn, khi bạn có người vợ trẻ tuyệt sắc, đẹp như bó hoa, tế nhị như vòng hoa, đã bỏ gia đình riêng theo bạn và đặt lòng tin vào bạn, sao bạn không đi cùng với nàng cho nàng khỏi mệt nhọc?

- Này các ông, nó không phải vợ tôi. Nó là nữ Dạ-xoa đã ăn thịt năm người bạn của tôi.

- Ôi, thưa các ông, khi người đàn ông đã phẫn nộ thì chính vợ của mình cũng cho là nữ Dạ-xoa, là ngạ quỷ!

Nữ Dạ-xoa ấy nói vậy và đi theo Bồ-tát, khi thì hiện hình có mang, khi thì hiện dáng dấp của một người đàn bà đã sanh con, khi thì bồng con bên nách. Nhiều người thấy vậy, cũng hỏi như các thức trước. Bồ-tát trả lời như trước và đi đến Takkasilà. Nữ Dạ-xoa làm đứa con biến mất, và một mình đi theo Bồ-tát. Còn Bồ-tát đi đến cửa thành và vào ngồi trong ăn nhà dành cho người chiêm bái. Vì uy lực của Bồ-tát, nữ Dạ-xoa không thể vào được, liền hóa hiện ra một Thiên nữ đứng trước nhà chiêm bái.

Lúc bấy giờ, vua Takkasilà đang đi đến công viên. Thấy nàng, tâm vua bị cám dỗ, vua sai một người đến hỏi nàng có chồng hay chưa. Người ấy đến hỏi và nàng trả lời:

- Tôi đã có chồng. Chồng tôi đang ngồi trong căn nhà dành cho ngưòi chiêm bái.

Bồ-tát nói:

- Nó không phải vợ tôi! Nó là con nữ Dạ-xoa đã ăn thịt năm người bạn đồng hành của tôi.

Nữ Dạ-xoa nói:

- Ôi thưa ông, khi người đàn ông đã phẫn nộ thì họ nói đủ chuyện mà họ nghĩ ra.

Người ấy báo cáo lại cho vua lời nói của hai người. Vua nói cái gì không có chủ đều thuộc quyền của vua. Vua truyền gọi nữ Dạ-xoa lại, cho nó ngồi trên lưng một con voi, đi vòng xung quanh thành rồi trở về cung điện và cho nó ở một nội cung của hoàng hậu. Sau khi vua tắm rửa, vào buổi chiều ăn xong rồi lên long sàng. Nữ Dạ-xoa ấy tự ăn đồ ăn thích hợp cho mình, sửa soạn trang điểm, và nằm với vua trên long sàng. Ðêm đã qua, sau khi vua hưởng lạc, đang nằm ngủ, nữ dạ-xoa xoay mình qua một bên hông rồi khóc. Vua hỏi vì sao nàng khóc. Nữ Dạ-xoa trả lời:

- Thưa Ðại Vương, thiếp được Ðại Vương gặp ở giữa đường và đem về cung, nhưng cung của Ðại vương có nhiều tỳ thiếp. Sống ở đây, giữa thù địch, thiếp cảm thấy như bị nắm đầu dìm xuống, bị choáng váng khi họ hỏi: Cha mẹ nàng là ai? Dòng họ hay thọ sanh nàng là gì? Nàng chỉ là người được nhặt về giữa đường! Nếu Ðại vương cho thiếp quyền uy và thế lực trên cả vương quốc thì không ai có thể làm thiếp tức giận với câu nói như vậy nữa!

- Này hiền thê, ta không có quyền đối với những ai ở trong vương quốc này. Ta không phải là chúa tể hay chủ nhân của họ. Những ai làm vua tức giận hay làm điều gì sai quấy, khi ấy ta mới là chủ của họ. Vì lý do này, ta không thể cho hiền thê quyền uy và thế lực trên cả vương quốc.

- Vậy thưa Ðại vương, nếu Ðại vương không thể cho thiếp thế lực trên cả nước hay trên toàn thành, ít nhất hãy cho thiếp thế lực trên những người ở trong nội cung, để thiếp có thể ngự trị những ai sống trong hoàng cung.

Vua quá đắm say bởi thiên xúc nên không thể từ chối lời nói của nữ Dạ-xoa, bèn chấp thuận.

- Lành thay, này hiền thê, ta sẽ cho hiền thê thế lực đối với những ai sống trong nội cung, như vậy, hiền thê có thể đặt họ dưới quyền lực của mình.

Nữ Dạ-xoa ưng thuận, chờ cho vua ngủ, liền đi về thành Dạ-xoa đem theo cả đoàn nữ Dạ-xoa vào cung. Rồi nó tự tay đoạt sinh mạng của vua và ăn tất cả gân, da, thịt, máu, chỉ để lại xương. Các nữ Dạ-xoa còn lại từ cửa lớn đi vào, bắt ăn từ các con gà, con chó trong nội cung, chúng ăn tất cả, chỉ để xương còn lại. Ngày hôm sau, thấy cửa còn đóng, người ta đến đập cửa rầm rầm, và tìm cách đi vào trong, chỉ thấy xương rải rác khắp nội cung. Thấy vậy, họ nói:

- Người đàn ông ấy đã đúng khi nói rằng nàng ấy không phải là vợ mình, chính là nữ Dạ-xoa! Còn nhà vua, không biết chút gì, lấy nó làm vợ. Nữ Dạ-xoa ấy chắc đã gọi các con Dạ-xoa đến, ăn thịt tất cả rồi bỏ đi.

Còn Bồ-tát, ngày ấy, ở tại nhà dành cho các người chiêm bái, sau khi đặt bùa cát trên đầu, và cột bùa chỉ quanh trán, liền cầm gươm đứng dậy, chờ tời sáng. Các người khác dọn sạch toàn bộ nội cung, lát đất với cỏ xanh, thoa hương, rắc hoa, treo từ mái nhà thòng xuống những bó hoa, xông hương thơm, cột những vòng hoa. Rồi họ tụ họp lại bàn tính với nhau:

- Thưa các bạn, người ấy chế ngự được các căn, không nhìn nữ Dạ-xoa hiện hóa thiên sắc đi theo sau. Người thật là bậc đại nhân kiên trì, thông minh và đầy đủ trí tuệ! Ðược người như vậy trị vì vương quốc, tất cả quốc độ sẽ được hạnh phúc. Hãy tôn vị ấy lên làm vua.

Tất cả các vị đại thần và thị dân, đều đồng một ý muốn, liền đi đến Bồ-tát và thưa:

- Thưa Hoàng tử, hãy trị vì vương quốc này.

Họ mời Bồ-tát vào thành, đặt Bồ-tát trên đống châu báu, làm lễ quán đảnh và tôn Bồ-tát lên làm vua ở thành Takkasilà. Từ bỏ con đường đưa đến bốn ác thú, không vi phạm mười vương pháp, Bồ-tát trị vì quốc độ đúng pháp, trọn đời làm các công đức như bố thí v.v.. rồi đi theo nghiệp của mình khi mệnh chung.

*

Bậc đạo Sư kể câu chuyện quá khứ xong liền đọc bài kệ này:

Như người mang bát dầu
Ðầy vun không cho đổ,
Cũng vậy, bảo vệ tâm,
Như đi phương hướng lạ!

Như vậy, bậc Ðạo Sư hướng đến điểm cao nhất của thuyết pháp là Niết-bàn và nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, chúng tùy tùng của vua là hội chúng đức Phật, còn Hoàng tử quốc vương là Ta vậy.

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

câu chuyện trong ngày 21-9-2010

CHƠI SÚC SẮC NGỘ ÐỘC (Tiền thân Litta)

Quán tưởng trong sự thọ dụng

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể lại về cách thọ dụng sự vật không suy nghĩ. Nghe nói, lúc bấy giờ, phần lớn các Tỷ-kheo nhận được y v.v... có thói quen sử dụng chúng không suy nghĩ. Do sử dụng bốn vật dụng không suy nghĩ, họ không thoát khỏi đọa xứ địa ngục, súc sanh. Bậc Ðạo Sư biết được việc này, liền dùng nhiều phương tiện thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, nói lên sự nguy hiểm lúc sử dụng bốn đồ vật mà không suy nghĩ:

- Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo không được sử dụng bốn đồ vật cần thiết mà không quán tưởng. Do vậy, từ nay trở đi, hãy suy nghĩ xong rồi mới thọ dụng chúng.

Cách thức suy nghĩ này được nêu rõ:

- Ở đây, các Tỷ-kheo có suy tư, khi sử dụng y, cốt để ngăn ngừa lạnh.

Sau khi đặt ra các điều lệ tương tự cho các vật dụng khác, bậc Ðạo Sư kết luận:

- Này các Tỷ-kheo, cần suy nghĩ như vậy, mới nhận bốn vật dụng. Không suy nghĩ lúc nhận các vật dụng cũng giống như thọ dụng nọc độc con rắn. Các người xưa vì không suy nghĩ, không biết sự nguy hiểm, đã thọ dụng thuốc độc, khi quá chín muồi phải chịu thống khổ.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nai, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình có gia sản lớn, khi đến tuổi trưởng thành, trở thành một người chơi con súc sắc. Một người chơi con súc sắc khác có tánh lừa đảo, chơi với Bồ-tát; khi nó hơn, nó tiếp tục chơi, không xóa bỏ bàn chơi. Nhưng khi người khác hơn, nó liền đưa con súc sắc vào miệng, xem như là mất, rồi xóa bàn chơi và bỏ đi. Biết được việc làm của nó, Bồ-tát nói:

- Thôi được, ta có cách.

Bồ-tát đem những con súc sắc về nhà, xoa thuốc độc, phơi khô, đi đến gần nó và rủ nó chơi. Kẻ kia bằng lòng, và sửa soạn bàn chơi. Khi đang chơi với Bồ-tát, thấy mình bị thua, nó liền bỏ một con súc sắc vào trong miệng. Bồ-tát thấy nó làm như vậy, liền nói:

- Hãy nuốt đi. Sau ngươi sẽ biết cái này là gì!

Rồi Bồ-tát đọc câu kệ này để trách móc nó:

Thuốc độc được xoa bôi,
Ðốt cháy thật mãnh liệt,
Ngươi nuốt con súc sắc,
Nào đâu có biết vậy,
Nuốt, hãy nuốt nữa đi,
Kẻ chơi ác độc kia,
Cuối cùng, ngươi sẽ bị,
Ðau đớn cực thống khổ.

Khi Bồ-tát đang nói vậy, thuốc độc bắt đầu thấm vào kẻ chơi súc sắc lừa đảo, mắt nó xoay tròn, thân cúi quặp và té xuống đất. Bồ-tát nói:

- Thôi ta sẽ cứu ngươi sống lại!

Bồ-tát cho nó uống loại thuốc trộn lẫn với các thứ thuốc khác, làm cho nó nôn ra, rồi cho nó ăn bơ chín, mật, đường v.v... Khi nó bình phục, Bồ-tát khuyên nó lần sau chớ làm như vậy nữa. Bồ-tát tiếp tục trọn đời làm công đức bố thí v.v... và theo nghiệp của mình.

*

Sau khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỳ-kheo thọ dụng các đồ vật không suy nghĩ cũng như thọ dụng thuốc độc không suy nghĩ.

Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, người hiền trí chơi súc sắc là Ta vậy.

Câu chuyện trong ngày 20-9-2010

BẢO VẬT (Tiền thân Mahàsàra)
Bậc thiện trí cống hiến cho đời ánh sáng trí tuệ

Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tôn giả Ànanda. Một thời, những nữ nhân ở cung vua Kosala suy nghĩ như sau: "Ðức Phật ra đời thật khó. Cũng vậy, được làm người với các căn đầy đủ thật khó. Dầu chị em ta có thân người này trong một thời có đức Phật, chị em ta vẫn không được đi đến tinh xá như ý muốn, không được nghe pháp, cúng dường hay bố thí. Chúng ta sống như bị quăng trong một cái hộp. Chị em ta hãy yêu cầu nhà vua cử cho một Tỷ-kheo xứng đáng thuyết pháp cho chị em ta: Khi nghe pháp, chị em ta có thể học làm các công đức như bố thí v.v... Như vậy, với thời gian ngắn ngủi này, chị em ta sẽ có kết quả lới ích". Tất cả bọn cùng đi đến đức vua và nói lên sự suy tư của mình. Nhà vua chấp thuận.

Một hôm, vua muốn đi dạo chơi ở một công viên, và báo người giữ vườn dọn dẹp sạch sẽ. Trong khi dọn dẹp sạch sẽ công viên, người giữ vườn thấy bậc Ðạo Sư ngồi dưới một gốc cây, liền đi đến hầu vua và thưa:

- Thưa thiên tử, công viên đã được dọn dẹp sạch sẽ. Nhưng tại đấy, dưới một gốc cây, đức Thế Tôn đang ngồi.

Vua nói:

- Tốt lắm, chúng ta sẽ nghe pháp từ bậc Ðạo Sư.

Rồi vua ngự lên cỗ xe có trang hoàng đẹp đẽ, đi đến công viên và yết kiến bậc Ðạo Sư. Lúc bấy giờ, Chattapani, một nam cư sĩ đã chứng quả Bất lai, đang ngồi nghe pháp từ bậc Ðại Sư. Khi thấy nam cư sĩ ấy, vua ngần ngại, đứng một lát, suy nghĩ: "Nếu là người độc ác, người này đã không ngồi nghe pháp từ bậc Ðạo Sư. Vì không phải là người độc ác, nên nó mới làm như vậy".

Nghĩ xong, nhà vua đi đến gần bậc Ðạo Sư, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Nam cư sĩ, vì sự kính trọng đối với đức Phật, không đứng dậy hay đảnh lễ vua. Vua không hoan hỉ với vị ấy. Biết được nhà vua không hoan hỉ đối với nam cư sĩ ấy, bậc Ðạo Sư nói lên công đức của vị ấy:

- Thưa Ðại Vương, nam cư sĩ này nghe nhiều kinh tạng đã được trao truyền và đã xa lìa các dục.

Vua nghĩ: "Chắc chắn người này không thể là người tầm thường, vì bậc Ðạo Sư tán thán công đức". Vua hỏi:

- Này nam cư sĩ, nếu có cần gì hãy nói cho ta biết.

Nam cư sĩ nói:

- Tốt lành thay!

Vua nghe Pháp từ bậc Ðạo Sư xong, thân phía hữu hướng về phía Ngài rồi ra đi.

Một hôm, sau khi ăn sáng, cầm dù đi đến Kỳ Viên, vua gặp nam cư sĩ ấy liền gọi đến và nói:

- Này nam cư sĩ, nghe nói ông là người nghe nhiều. Các nữ nhân của Ta muốn nghe và học Chánh pháp. Lành thay, nếu ông nói pháp cho họ.

- Thưa thiên tử, thật không thích hợp để những người tại gia nói cho nội cung của vua. Việc ấy chỉ thích hợp với các Tôn giả xuất gia.

Vua nói:

- Người này nói sự thật.

Vua liền bảo người ấy ra đi, rồi cho gọi các nữ nhân, và nói:

- Này các hiền nữ, ta sẽ đi đến bậc Ðạo Sư và xin cử một Tỷ-kheo thuyết pháp cho các hiền nữ. Trong tám mươi đại đệ tử, ta sẽ xin ai?

Tất cả nữ nhân họp bàn và đồng ý lựa chọn Trưởng lão Ànanda, vị Chưởng khố Chánh pháp. Vua đi đến gặp bậc Ðạo Sư, đảnh lễ, ngồi xuống một bên và thưa:

- Bạch Thế Tôn, các nữ nhân trong cung của trẫm muốn nghe pháp và học pháp từ Trưởng lão Ànanda. Lành thay, nếu Trưởng lão ấy có thể thuyết pháp cho những người trong cung của trẫm.

Bậc Ðạo Sư bằng lòng chấp nhận cho Trưởng lão Ànanda. Từ đấy về sau, các nữ nhân của vua nghe pháp và học pháp từ Trưởng lão Ànanda.

Một hôm, một viên ngọc trên khăn vua bị mất. Vua biết được viên ngọc bị mất, cho gọi các đại thần và ra lệnh bắt tất cả mọi người trong nội cung để tìm cho ra viên ngọc trên khăn. Các đại thần bắt đầu từ các nữ nhân, tra hỏi viên ngọc trên khăn, họ làm phiền nhiễu rất nhiều người nhưng không tìm ra. Hôm ấy, Trưởng lão Ànanda vào cung điện vua. Trước kia, khi các nữ nhân thấy Trưởng lão họ đều hoan hỉ nghe pháp, học pháp. Lần này họ không được như vậy, tất cả đều sầu ưu. Khi Trưởng lão hỏi vì sao hôm nay họ lại như vậy, họ trả lời:

- Thưa Tôn giả, đức vua đã mất viên ngọc trên khăn. Và đức vua ra lệnh các đại thần bắt đầu tra hỏi từ các nữ nhân để tìm ngọc, làm phiền nhiễu mọi người ở trong cung. Chúng tôi không biết những gì sẽ xảy ra cho ai. Do vậy, chúng tôi ưu phiền.

Trưởng lão nói an ủi họ:

- Chớ lo nghĩ việc ấy nữa.

Rồi Trưởng lão đi đến gặp nhà vua, ngồi trên ghế đã soạn sẵn, và hỏi:

- Thưa Ðại Vương, tôi nghe nói Ðại Vương mất viên ngọc phải không?

- Thưa Tôn giả sau khi bắt tất cả mọi người ở trong cung, và làm phiền nhiễu chúng, tôi vẫn chưa có thể tìm được.

- Thưa Ðại Vương, không cần phiền nhiều đông người, vẫn có phương cách tìm ra viên ngọc.

- Cách thức nào vậy, thưa Tôn giả?

- Thưa Ðại vương, bằng cách cho một nắm rơm.

- Cho nắm rơn để làm gì vậy, thưa Tôn giả?

- Thưa Ðại Vương, với những ai bị ngài nghi ngờ, hãy họp họ lại, cho mỗi người một nắm rơm hay cục đất sét và nói: "Ngày mai, vào sáng sớm, hãy đem cái này và đặt tại chỗ ấy. Người nào lấy viên ngọc sẽ đặt nó trong nắm rơm hay cục đất sét mang lại. Nếu ngày đầu họ mang lại thì rất tốt. Nếu không, ngày thứ hai, ngày thứ ba, họ cũng phải mang lại. Như vậy, đại chúng không bị phiền nhiễu, và ngài có thể lấy lại được viên ngọc".

Nói vậy xong, Trưởng lão ra về. Vua làm theo lời dặn, nhưng ba ngày qua, không ai đem lại viên ngọc. Trưởng lão đến vào ngày thứ ba và hỏi:

- Thưa Ðại Vương, viên ngọc đã được đem lại chưa?

- Thưa Tôn giả, chưa.

- Vậy Ðại Vương, trong sân lớn, tại một chỗ kín hãy cho đặt một cái ghè nước lớn, đổ đầy nước, treo xung quanh một cái màn. Rồi ra lệnh cho mọi người lui tới trong nội cung, đàn ông và cả đàn bà, phải cởi áo ngoài, lần lượt đi vào trong màn một mình, rửa tay rồi đi ra.

Trưởng lão nói phương tiện này xong rồi ra đi. Nhà vua làm như lời dặn. Kẻ ăn cắp hòn ngọc suy nghĩ: "Vị Chưởng khố Chánh pháp đã nắm lấy vấn đề này, nếu không tìm ra được viên ngọc sẽ không bỏ cuộc. Nay đã đến lúc cần phải đem trả lại viên ngọc". Nghĩ vậy, nó giấu viên ngọc trong người, đi vào trong tấm màn, bỏ rơi ngọc vào ghè nước rồi đi ra. Khi tất cả mọi người đã đi xong, người ta đổ nước và tìm được viên ngọc. Vua nói:

- Nhờ Trưởng lão, không phiền nhiễu đại chúng, ta đã tìm được viên ngọc.

Vua rất bằng lòng. Những người lui tới trong cung cũng bằng lòng và nói:

- Nhờ Trưởng lão, chúng tôi thoát khỏi đau khổ lớn.

Câu chuyện nhờ uy lực của Ànanda họ đã tìm ra viên ngọc trên khăn vua được toàn kinh thành và chúng Tỷ-kheo biết. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường tán thán công đức của Trưởng lão:

- Thưa các Hiền giả, nhờ nghe nhiều, nhờ bác học, nhờ thiện xảo phương tiện của Trưởng lão Ànanda, đại chúng không bị phiền nhiễu, với phương tiện, viên ngọc được tìm lại.

Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:

- Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi ở đây luận bàn vấn đề gì?

Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:

- Này các Tỳ-kheo, không phải nay đồ vật gì đã vào tay người khác, lại tìm được là nhờ Ànanda. Thuở trước, các bậc hiền trí không làm phiền nhiễu đại chúng, chỉ với phương tiện, tìm được đồ vật đã đi vào tay của loài vật.

Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, khi vua Brahmandatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát đạt sự thuần thục trong tất cả các nghề, và trở thành vị đại thần của vua ấy. Một hôm, nhà vua cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo, đi đến công viên, sau khi dạo chơi giữa rừng xong, lại muốn đi chơi trong nước.

Vua đi xuống một hồ nước dành cho vua, và gọi các cung nữ cởi các vàng ngọc, trang sức trên đầu, trên cổ, bỏ chúng trên cái áo ngoài, đặt chúng vào trong hộp và giao các nữ tỳ trông coi rồi đi xuống hồ.

Khi ấy, có một con khỉ cái ở công viên, ngồi giữa các cành cây, thấy bà hoàng hậu cởi các đồ trang sức, bỏ trên cái áo ngoài, đặt chúng vào trong hộp. Con khỉ cái muốn đeo dây chuyền bằng ngọc của hoàng hậu, ngồi nhìn, chờ xem khi nào người nữ tỳ lơ đễnh là nó đánh cắp.

Người nữ tỳ canh gác, thỉnh thoảng nhìn qua nhìn lại rồi lại bắt đầu ngủ gật. Con khỉ cái biết người nữ tỳ đã lơ đễnh, liền leo xuống mau như gió, lấy sợi dây chuyền lớn đeo cổ, lêo lên xuống mau như gió, ngồi núp giữa các cành cây. Rồi sợ các con khỉ cái khác thấy, nó giấu sợi dây chuyền vào một cái lỗ cây và ngồi canh gác với dáng điệu bình tĩnh.

Người nữ tỳ tỉnh dậy, không thấy sợi dây chuyền, quá run sợ, không thấy có cách gì khác liền la to:

- Có người đàn ông lấy cắp sợi dây chuyền của hoàng hậu rồi chạy trốn.

Những người canh gác từ nhiều phía tụ họp lại, nghe người nữ tỳ la, liền báo cho vua biết. Vua ra lệnh bắt tên ăn trộm. Họ chạy ra khỏi công viên, đi tìm tên ăn trộm khắp nơi. Một kẻ dân quê đang lễ bái, nghe tiếng la, liền hoảng sợ bỏ chạy. Thấy vậy, các người ấy nghĩ nó là thằng ăn trộm bèn đuổi theo, bắt nó, đánh nó, và nói mỉa mai:

- Ðồ ăn trộm ác độc kia, ngươi lấy cắp đồ trang sức đắt tiền như vậy để làm gì?

Người dân quê suy nghĩ: "Nếu ta nói không lấy, mạng sống ta hôm nay không còn nữa. Chúng sẽ đánh và giết ta. Vậy ta hãy nhận là có lấy". Nó nhận có lấy, liền bị trói và dẫn đến vua. Vua hỏi nó:

- Có phải ngươi lấy đồ trang sức đắt tiền?

- Thưa thiên tử, tôi có lấy.

- Nay vật ấy ở đâu rồi?

- Thưa thiên tử, vậy quý giá đối với tôi, tôi lấy để làm gì? Tôi là người từ trước không bao giờ có được cái giường chiếc ghế. Nhưng người triệu phú bảo tôi lấy đồ trang sức đắt tiến ấy. Tôi lấy và giao cho ông ta rồi. Ông ta biết đồ trang sức ấy.

Vua truyền gọi người triệu phú và hỏi ông có lấy đồ trang sức quý giá từ tay người dân quê ấy không.

- Thưa thiên tử, có.

- Ðồ ấy ở đâu rồi?

- Tôi đã đưa cho người cố vấn tế tự của ngài.

Người cố vấn tế tự được gọi và được hỏi như trước. Ông thú nhận có lấy và đưa cho người nhạc trưởng. Người nhạc trưởng bị gọi và hỏi, liền khai đã đưa cho một người kỹ nữ như là một món quà tặng. Người kỹ nữ bị hỏi, trả lời cô không lấy. Trong khi hỏi chưa xong thì mặt trời lặn, Vua nói:

- Nay hết giờ rồi, ngày mai tiếp tục việc này.

Vua giao năm người ấy cho các vị đại thần và đi vào thành.

Lúc ấy Bồ-tát suy nghĩ: "Ðồ trang sức này bị mất ở trong công viên. Kẻ dân quê này ở ngoài công viên và cửa có lính gác thì không thể vào trong công viên cũng không thể lấy và chạy trốn ra ngoài được. Người nghèo khổ này nói: Tôi đã đưa cho người triệu phú, có lẽ vì để tự giải thoát cho mình thôi. Con người triệu phú nói: Tôi đã đưa cho người cố vấn tế tự, có lẽ vì muốn làm cho kẻ ấy thành đồng lõa để cùng được thoát ra. Còn người cố vấn tế tự nói: Tôi đã đưa cho người nhạc trưởng, có lẽ vì nghĩ rằng nhờ người nhạc trưởng, sẽ sống vui trong nhà tù. Người nhạc trưởng nói: Tôi đã cho người kỹ nữ, với hy vọng mình sẽ được hưởng lạc thú với người kỹ nữ ở trong tù. Cả năm người này không thể là người ăn trộm. Trong công viên có nhiều loài khỉ. Vật trang sức có lẽ đã rơi vào tay một con khỉ cái!".

Nghĩ vậy, Bồ-tát đi đến yết kiến vua và thưa:

- Thưa Ðại Vương, hãy giao những người ăn trộm cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tìm kiếm ai đã làm việc này.

Vua chấp thuận, giao những người ăn trộm cho Bồ-tát. Bồ-tát cho gọi những người làm công và bảo:

- Hãy cho năm người này ở trong một chỗ, canh gác xung quanh, lóng tai nghe họ nói những gì và báo cho ta biết.

Nói xong, Bồ-tát ra đi, và các người ấy làm theo lời dặn. Trong khi cả năm người đang ngồi tù, người triệu phú nói với người dân quê.

- Này đồ dân quê ác độc kia, ta với ngươi trước đây không có gặp nhau. Vậy sao ngươi nói ngươi đưa cho ta đồ trang sức ấy?

- Thưa ông đại triệu phú, tôi không bao giờ biết đến cái giường, cái ghế đẩu với chân bằng lõi cây được gọi là quí giá. Tôi nghĩ tôi nương nhờ vào ông mới được giải thoát, nên tôi nói vậy. Mong ông chủ chớ giận tôi.

Người cố vấn tế tự hỏi người triệu phú:

- Thưa ông đại triệu phú, làm sao ông lại đưa cho tôi một vật mà người này không hề đưa cho ông?

- Vì tôi nghĩ rằng hai chúng ta là những người có quyền thế. Nếu chúng ta cùng đứng với nhau, thời sự việc sẽ được giải quyết mau chóng! Do nghĩ vậy nên tôi đã khai như vậy.

Vị nhạc trưởng nói với người cố vấn tế tự:

- Này Bà-la-môn, ông đưa cho tôi đồ trang sức lúc nào?

- Tôi nghĩ rằng nhờ ông, tôi sẽ sống an lạc tại chỗ cư trú, nghĩ vậy nên tôi nói vậy.

Người kỹ nữ nói với người nhạc trưởng:

- Này người nhạc trưởng độc ác kia, trước đây tôi chưa bao giờ đến với ông, trước đây ông cũng chưa bao giờ đến với tôi. Vậy ông đưa tôi vật trang sức khi nào?

- Này chị, chị phẫn nộ làm gì? Năm chúng ta cùng chung sống với nhau trong một nhà. Hãy hoan hỉ sống cho được thoải mái! Do nghĩ vậy nên tôi khai cho chị.

Bồ-tát nghe câu chuyện ấy từ những người được giao việc, biết rằng năm người ấy không phải ăn trộm; chắc con khỉ cái đã lấy đồ trang sức, và tìm một phương tiện để làm cho nó bỏ rơi đồ trang sức ấy. Bồ-tát sai làm nhiều đồ trang sức bằng chuỗi hạt, cho bắt một số khỉ cái trong vườn, cho chúng đeo các đồ trang sức bằng chuỗi hạt trên tay, trên chân, trên cổ rồi thả chúng ra. Trong khi ấy con khỉ cái ăn trộm kia vẫn ngồi ở công viên canh gác bảo vật của nó. Bồ-tát ra lệnh cho họ:

- Các người hãy đi, và dò xét rình xem tất cả bầy khỉ cái. Khi nào thấy đồ trang sức ở con khỉ cái nào, hãy dọa nó và lấy lại đồ trang sức.

Những con khỉ cái ấy được cho các đồ trang sức, tự mãn, tự hào, đi qua đi lại trong công viên, đi đến con khỉ cái ăn trộm kia và nói:

- Này, xem đồ trang sức của chúng ta!

Con khỉ cái kia, không dằn nổi lòng ganh tỵ, liền nói:

- Quý gì đồ trang sức bằng hạt ấy!

Rồi nó lấy dây chuyền ngọc mang vào. Các người đứng rình thấy vậy liền tìm cách làm cho nó cởi bỏ đồ trang sức ra, rồi mang về cho Bồ-tát. Cầm lấy đồ trang sức ấy, Bồ-tát đem dâng vua và thưa:

- Thưa Ðại Vương, năm người ấy không phải là ăn trộm. Chính con khỉ cái trong vườn đã lấy đồ trang sức này.

Vua nói:

- Thưa bậc Hiền trí, làm sao bậc Hiền trí biết được là chính con khỉ cái ấy tự tay lấy chuỗi ngọc? Làm sao bậc Hiền trí lấy chuỗi ngọc lại được?

Bồ-tát kể lại toàn bộ câu chuyện, nhà vua rất bằng lòng và nói:

- Cầm đầu các chiến trường, cần phải có những anh hùng.

Vua thưởng cho Bồ-tát rất nhiều vàng ngọc và nói lên bài kệ:

Chiến trận, cần anh hùng,
Khuyên bảo, cần bình tĩnh,
Ăn uống, cần bạn thân,
Gặp việc, cần hiền trí.

Như vậy, nhà vua tán thán Bồ-tát, đề cao Bồ-tát, và cúng dường Bồ-tát bảy món báu. Vâng theo lời khuyến giáo của Bồ-tát, vua sống trọn đời làm các công đức, rồi đi theo nghiệp của mình.

*

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nói lên công đức của Trưởng lão, và nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, còn đại thần hiền trí là Ta vậy.