Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010


MƯỜI SÁU CÂU CHUYỆN VỀ ĐỨC PHẬT

Kể từ 25-6-2010 tới 11 -7-2010 Room Phật Pháp Buddhadhamma sẽ tuần tự mỗi ngày giảng một câu chuyện liên quan tới cuộc đời Đức Phật. Tất cả tranh vẽ, ngoại trừ vài tấm ảnh chụp từ Ajanta và Ellora, đều là công trình của Global Pagoda (Hoàn Cầu Thánh Tháp), Mumbai, Ấn Độ. Chánh kinh trích từ bản dịch Tam Tạng của HT Thích Minh Châu.

Phần I: TỰ GIÁC

Câu chuyện 1: THỌ KÝ LẦN ĐẦU TIÊN
Phật quả là kết tinh của một hành trình với nổ lực phi thường chứ không phải là sự đãi ngộ đặc biệt của thần linh.

Câu chuyện 2: VÙNG ĐẤT ĐƯỢC MỆNH DANH LÀ TRUNG THỔ
Với rặng Hy Mã cao ngất và phần còn lại của Ấn Độ bao bọc bởi biển cả và sa mạc khiến người ta nghĩ đến sự chinh phục nội tại hơn là biên địa. Nền văn hóa tâm linh của Ấn mang tính đặc thù hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất.

Câu chuyện 3: TÂM HỒN CỦA VỊ PHẬT TƯƠNG LAI
Tịnh mặc, bi mẫn, sâu sắc, dõng mãnh là những đức tính tiêu biểu của một đức bồ tát trước khi thành Phật.

Câu chuyện 4: TRẮC NGHIỆM VÀ CHỨNG NGHIỆM
Bằng tinh thần cởi mở và cầu tiến, bồ tát đã tìm đến bậc danh sư và sau đó là những năm khổ hạnh. Cuối cùng ngài khẳng định con đường do chính ngài trắc nghiệm.

Phần II: GIÁC THA

Câu chuyện 5: CHUYỂN PHÁP LUÂN
Bài pháp đầu tiên của Đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế khẳng định mục đích của sự tu tập là liễu ngộ khổ đau và thành tựu quả giải thoát.

Câu chuyện 6: LỜI KÊU GỌI HOẰNG HÓA ĐỘ SANH
Lời kêu gọi hoằng pháp độ sinh của Đức Phật khẳng định lòng đại bi với chúng sanh trong đời. Không bao giờ Đức Phật dạy con đường tu tập ích kỷ.

Câu chuyện 7 : RỘNG MỞ CHO TẤT CẢ
Trong giáo pháp của Đức Phật không có sự đặc quyền tu học cho bất cứ ai. Những đệ tử Phật dến từ mọi giai cấp trong xã hội.

Câu chuyện 8: CHUYỂN HÓA BẰNG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
Chỉ có sự hiểu biết, ý thức và chuyên tâm thực hành mới thay đổi được con người. Đức Phật không khuyến kích tự tin tưởng vào phép là và sự hâm mộ cá nhân.


Phần III: GIÁC HẠNH VIÊN MÃN

Câu chuyện 9: XÁC LẬP GIÁ TRỊ CỦA TUỆ GIÁC
Sự cao cả trong đời sống là trí tuệ thanh tịnh chứ không phải là ngôi vị hay quyền năng.

Câu chuyện 10: TÍNH TOÀN DIỆN CỦA GIÁO PHÁP
Phật pháp dạy có tình có lý, có nhân có quả, có nhập thế có xuất thế, có cá nhân có xã hội chứ không phải phiến diện.

Câu chuyện 11: THÁI ĐỘ TÍCH CỰC
Tinh thần thụ động tiêu cực là một thứ phiền não. Ngay cả những bậc đã hoàn tất hành trình tu tập vẫn có đời sống tích cực.

Câu chuyện 12: NÊU CAO GƯƠNG LÀNH
Trong tinh thần bi mẫn vì lợi ích của thế hệ mai hậu, Đức Phật và chư vị thánh tăng luôn thể hiện sự tinh cần cho dù các ngài đã không cần phải làm như vậy nữa.

Phần VI: TRUYỀN THỪA

Câu chuyện 13: THÁI ĐỘ VÀ QUYẾT TÂM CỦA NGÀI MA HA CA DIẾP
Bậc trưởng lão đầu đàn đã quyết tâm bảo lưu trọn vẹ những gì Đức Phật dạy bằng việc tổ chức Đại Hội Kết Tập Tam Tạng và khẳng định không gia giảm giới luật do Phật ban hành.

Câu chuyện 14: TINH THẦN HOẰNG PHÁP CAO RỘNG CỦA VUA A DỤC
Với tinh thần không kỳ thị tôn giáo mặc dù bản thân là một Phật tử thuần thành và gởi các đoàn truyền giáo sang lân bang hoằng pháp, vua A Dục đã để lại những bài học quí giá cho đời về đường hướng duy trì phát triển Phật giáo.

Câu chuyện 15: SỰ PHA TRỘN
Hai động thạch khắc Ajanta và Ellora là thí dụ tiêu biểu cho sự ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật và xã hội trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật Pháp.

Câu chuyện 16: THIỀN QUÁN VÀ SỰ PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO TẠI ẤN ĐỘ
Đem thiền quán tứ niệm xứ trở về hoằng hóa tại Ấn độ sau nhiều thế kỷ vắng bóng Phật giáo, thiền sư Goenka đã là hình ảnh đáng suy gẩm cho bất cứ ai quan tâm đến việc hoằng hóa độ sinh.

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 24-6-2010
VI THIỆN TỐI LẠC, ĐẠO LÝ TỐI ĐẠI
Đời sống hiền thiện không phải chỉ có phúc quả đời sau

(I) (1) Ý Nghĩa Gì

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jeta-vana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, các thiện giới có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

- Này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không có hối tiếc, có lợi ích không có hối tiếc.

- Nhưng bạch Thế Tôn, không có hối tiếc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

- Này Ananda, không có hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan.

- Bạch Thế Tôn, nhưng hân hoan có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

- Này Ananda, hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ.

- Nhưng bạch Thế Tôn, hoan hỷ có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

- Này Ananda, hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an.

- Nhưng bạch Thế Tôn, khinh an có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

- Này Ananda, khinh an có ý nghĩa an lạc, có ích lợi an lạc.

- Nhưng bạch Thế Tôn, an lạc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? Này Ananda, an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định.

- Nhưng bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

- Này Ananda, định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến.

- Nhưng bạch Thế Tôn, như thật tri kiến có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

- Này Ananda, như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham.

- Nhưng bạch Thế Tôn, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

- Này Ananda, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến.

2. Như vậy, này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ. Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Ðịnh có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham. Nhàm chán ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp dẫn tới tối thượng. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp đưa đến tối thượng.

Thảo luận

1. Nếu làm việc thiện mà tâm phiền não thì có nên làm chăng?
2. Những ảnh hưởng của thiện pháp có nhất định phải theo thứ tự không?
3. Chữ nhàm chán ở trong bài kinh nầy nên được hiểu thế nào?
4. Hành giả tu tập có cần sự an lạc hay chăng?

Ðô' vui : Câu nào du'ó'i ðây không thê² hiê.n tinh thâ`n nhân qua² : a. o'² hiê`n gå.p lành//b. gieo gió gå.p bão//c. ån miê'ng tra² miê'ng//d. ån vóc ho.c hay

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 23-6-2010
TÂM THÀNH CHƯA HẲN PHẬT CHỨNG
Ý MUỐN TỐT CHƯA ĐỦ MÀ PHẢI BIẾT CÁCH LÀM CHO TỐT


(III) (3) Tôn Gỉa Meghiya

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Càlikà, tại núi Càlikà. Lúc bấy giờ, Tôn giả Meghiya là người thị giả Thế Tôn. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con muốn đi vào làng Jantu để khất thực.

- Này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.

2. Rồi Tôn giả Meghiya vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng Jantu để khất thực. Sau khi khất thực ở làng Jantu xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến bờ sông Kimikàlà, trong khi bộ hành, đi bách bộ qua lại trên bờ sông Kimikàla, Tôn giả Meghiya thấy một rừng xoài đẹp đẽ khả ái. Thấy vậy Tôn giả suy nghĩ: "Rừng xoài này thật là đẹp đẽ khả ái. Vậy thật là vừa đủ để cho thiện nam tử ưa thích tinh cần để tinh cần, và nếu Thế Tôn chấp thuận, ta sẽ đi đến rừng xoài này để tinh cần".

3. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên. Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, ở đây vào buổi sáng con đắp y, cầm y bát và đi vào làng Jantu để khất thực. Ði khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, con đi đến bờ sông Kimikàlà. Bạch Thế Tôn, khi con bộ hành, đi bách bộ qua lại trên bờ sông Kimikàlà, con thấy một rừng xoài đẹp đẽ khả ái. Thấy vậy, con suy nghĩ như sau: "Rừng xoài này thật đẹp đẽ, khả ái. Vậy thật là vừa đủ cho thiện nam tử ưa thích tinh cần để tinh cần, và nếu Thế Tôn chấp thuận ta, ta sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần".

- Hãy chờ đợi này Meghiya cho đến khi một Tỷ-kheo khác có mặt, vì chúng ta chỉ có một mình.

4. Lần thứ hai, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn không có gì nữa cần phải làm thêm, không có cái gì cần phải làm thêm vào sự việc đã làm. Còn con, bạch Thế Tôn, có sự việc cần phải làm thêm, còn có việc cần phải làm thêm vào sự việc đã làm. Nếu Thế Tôn chấp thuận con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần.

- Hãy chờ đợi này Maghiya, cho đến khi một Tỷ-kheo khác có mặt, vì chúng ta chỉ có một mình.

5. Lần thứ ba, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không có gì nữa cần phải làm thêm, không có cái gì cần phải thêm vào sự việc đã làm. Nếu Thế Tôn chấp thuận con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần.

- Này Meghia, khi Thầy đã nói tinh cần, thời chúng ta có thể còn nói gì nữa? Vậy này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.

6. Rồi Tôn giả Meghiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, ra đi đến rừng xoài ấy, sau khi đến, đi sâu vào rừng xoài, rồi ngồi nghỉ ban ngày dưới một gốc cây. Trong khi Tôn giả Meghiya trú trong rừng ấy, phần lớn ba ác bất thiện tầm hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm và hại tầm. Rồi Tôn giả Meghiya suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay, thật hy hữu thay. Ta vì lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng ba ác bất thiện tầm này xâm nhập tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm".

7. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, khi con sống tại rừng xoài ấy, ba ác bất thiện tầm hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng ba ác bất thiện tầm này xâm nhập, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm".

- Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến thuần thục. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này Meghiya, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ nhất đưa đến thuần thục.

9. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo có giới, sống được bảo vệ sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học trong các học pháp. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ hai đưa đến thuần thục.

10. Lại nữa, này Meghiya, câu chuyện này có khả năng đoạn giảm (hướng thượng) đưa đến tâm được rộng mở, như luận về ít dục, luận về biết đủ, luận về viễn ly, luận về không tụ hội, luận về tinh tấn tinh cần, luận về giới, luận về định, luận về tuệ, luận về giải thoát, luận về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ ba đưa đến thuần thục.

11. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để được đầy đủ các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì không từ bỏ gánh nặng trong các thiện pháp. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ tư đưa đến thuần thục.

12. Lại nữa, này Meghiya, có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh và diệt, với Thánh thể nhập đi đến con đường đoạn tận khổ đau. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ năm đưa đến thuần thục.

13. Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: sẽ sống có giới, được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.

Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Câu chuyện này có khả năng đoạn giảm (hướng thượng) như luận về ít dục... Những câu chuyện như vậy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ sống tinh cần tinh tấn... không từ bỏ trách nhiệm trong các thiện pháp. Này Meghiya, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ có trí tuệ... chơn chánh đoạn tận khổ đau. Và này Meghiya, khi Tỷ-kheo ấy đến trú trong năm pháp này, bốn pháp nữa cần phải tu tập: tu tập tưởng bất tịnh để đoạn tận tham ái, tu tập từ bi để đoạn tận sân, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra để cắt đứt tầm, tu tập tưởng vô thường để phá hoại ngã mạn. Này Meghiya, với Tỷ-kheo có tưởng vô thưởng, tưởng vô ngã được tồn tại. Có tưởng vô ngã, thời ngã mạn bị phá hoại, ngay trong hiện tại đạt được Niết-bàn.


Thảo luận

1. Làm sao để biết được ý muốn nào trong sự tu tập là thích đáng hay không thích đáng?
2. Phải chăng có những bổn phận mình bỏ mặc sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển nội tâm sau nầy?
3. "Làm bạn với thiện" ở đây khác với thân cận thiện hữu thế nào?
4. "Chủ nghĩa cá nhân" phổ biến ngày nay có ảnh hưởng thế nào đối với sự tu tập?

Đố vui

Đặt nghị lực đúng chỗ trong Phật Pháp gọi là:

a. Chánh kiến
b. Chánh niệm
c. Chánh tư duy
d. Chánh tinh tấn

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 22-6-2010
CHÁNH MẠNG CỦA SA MÔN
Có những điều rất lương thiện với người nầy nhưng không thích đáng với người kia

X. Sùcimukhi (Tịnh Diện) (S.iii,238)

1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi sáng. đắp y, cầm y bát, đi vào Ràjagaha để khất thực. Sau khi đi khất thực từng nhà một ở Ràjagaha (Vương Xá), Tôn giả ngồi dựa vào một bức tường, dùng đồ ăn khất thực.

3) Rồi một nữ du sĩ ngoại đạo Sùcimukhi đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta:

4) -- Này Sa-môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống?

-- Này Chị, tôi ăn, không cúi mặt xuống.

5) -- Vậy Sa-môn, Ông ăn, ngưỡng mặt lên?

-- Này Chị, tôi ăn, không ngưỡng mặt lên.

6) -- Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính?

-- Này Chị, tôi ăn, không có hướng mặt về bốn phương chính.

7) -- Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ?

-- Này Chị, tôi ăn, không có hướng mặt về bốn phương phụ.

8) -- Ðược hỏi: "Này Sa-môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống?" Ông trả lời: "Này Chị, tôi ăn, không cúi mặt xuống". Ðược hỏi: "Vậy này Sa-môn, Ông ăn, ngưỡng mặt lên?" Ông đáp: "Này Chị, tôi ăn, không ngưỡng mặt lên". Ðược hỏi: "Vậy này Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính?" Ông đáp: "Này Chị, tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương chính". Ðược hỏi: "Vậy Sa-môn, Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ?" Ông đáp: "Này Chị, tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương phụ". Vậy này Sa-môn, Ông ăn, hành động như thế nào?

9) -- Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý (nakkhattavijjà) và súc sanh minh (nghề hèn hạ); này Chị, các vị ấy được gọi là các Sa-môn, Bà-la-môn ăn cúi mặt xuống.

10) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn (nakkhattavijjà) và súc sanh minh (nghề hèn hạ); này Chị, các vị ấy được gọi là các Sa-môn, Bà-la-môn ăn ngưỡng mặt lên.

11) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới; này Chị, các vị ấy được gọi các Sa-môn, Bà-la-môn ăn hướng mặt về bốn phương chính.

12) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này Chị, nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán, và các nghề hèn hạ; này Chị, các vị ấy được gọi những Sa-môn, Bà-la-môn ăn hướng mặt về bốn phương phụ.

13) Còn ta, này Chị, ta không nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý và các nghề hèn hạ; ta không nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn và các nghề hèn hạ; ta không nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới; ta cũng không nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán và các nghề hèn hạ. Ta tìm món ăn một cách hợp pháp. Sau khi tìm món ăn một cách hợp pháp, ta dùng các món ăn ấy.

14) Rồi nữ tu sĩ ngoại đạo Sùcimukhi đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư này qua ngã tư khác ở thành Vương Xá, và tuyên bố: "Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách hợp pháp. Sa-môn Thích tử dùng các món ăn một cách không có lỗi lầm. Hãy cúng dường các món ăn cho Sa-môn Thích tử".

Thảo luận

1. Phải chăng sự chánh mạng của người xuất gia và và người tại gia khác nhau?
2. Lối sống tà mạng ảnh hưởng sự tu tập thế nào?
3. Người cư sĩ nên biết gì về sự chánh mạng của người xuất gia?
4. Cuộc sống hôm nay có gì thuận và chưóng duyên đối với nếp sống chánh mạng của hàng xuất gia?
Câu chuyện trong ngày 21-6-2010
NGŨ CĂN
Tất cả hành giả tu tập cần biết cơ sở căn bản của đời sống nội tâm

10. X. Phân Tích (Tạp 26,14, Ðại 2,183b) (S.v,197)

1) Tại Savatthi, ... Thế Tôn thuyết

2) -- Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Vị ấy đối với các pháp bất thiện chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho không sanh khởi; đối với các pháp bất thiện đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho đoạn tận; đối với các thiện pháp chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho sanh khởi; đối với các thiện pháp đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho an trú, không có mê ám, được tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được làm cho viên mãn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng, ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, và lời nói từ lâu. Vị ấy trú, quán thân trên thân... quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ... an trú Thiền thứ hai... an trú Thiền thứ ba... từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ thuộc bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Vị ấy như thật rõ biết đây là khổ, như thật rõ biết đây là khổ tập khởi, như thật rõ biết đây là khổ đoạn diệt, như thật rõ biết đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

8) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.


Thảo luận

1. Ngũ căn ở đây là "vốn liếng" đã có hay là pháp đang được huân tập?
2. Tại sao tín căn ở đây chỉ nêu lên niềm tin ở Phật mà không có pháp và tăng?
3. Thế nào là "gánh nặng đối với thiện pháp"?
4. Chữ "căn" ở đây và chữ "căn tu" thường được nói có giống nhau chăng?

Đố vui

Nói về tiền trong doanh nghiệp thì có tiền vốn và tiền lời. Đa số lấy lời khuyếch trương số vốn. Trong sự tu tập có sự kiện tương tự như vậy chăng?

a. Có. Nếu người lấy thành quả tu tập tạo thành thắng duyên để đi tới đó là lấy quả tạo thêm nhân lành.

b. Nghiệp tạo quả; quả có thể là duyên sanh phiền não hay thiện tâm; tâm thiện và bất thiện lại tạo quả đó là vòng luân chuyển.

c. Những thành quả trong sự tu tập có thể dùng làm lực đẩy cho hành trình tu tập
d. Cả ba câu trên đều đúng.
Câu chuyện trong ngày 20-6-2010
NÓI THẬT CHƯA ĐỦ ĐỂ GỌI LÀ TỐT
Không phải tất cả sự thật đều nên được nói

(III) (183) Ðiều Ðược Nghe

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi. Sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi thân hữu, Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:

- Thưa Tôn giả Gotama, tôi nói như sau, thấy như sau: "Khi người nào nói lên điều mình thấy: "Tôi thấy như vậy". Do vậy, người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình nghe: "Tôi nghe như vậy". Do vậy, người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình cảm giác: "Tôi cảm giác như vậy". Do vậy, người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình thức tri: "Tôi thức tri như vậy". Do vậy, người ấy không có lỗi gì".

2. - Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: "Tất cả điều được thấy cần phải nói ra". Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: "Tất cả điều được thấy không nên nói ra". Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: "Tất cả điều được nghe nên nói ra". Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: "Tất cả điều được nghe không nên nói ra". Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: "Tất cả điều được cảm giác nên nói ra". Ta không nói rằng: "Tất cả điều được cảm giác không nên nói ra". Ta không nói rằng: "Tất cả điều được thức tri nên nói ra". Ta không nói rằng: "Tất cả điều được thức tri không nên nói ra".

3. Này Bà-la-môn, phàm nói lên điều thấy gì, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, Ta nói rằng điều thấy như vậy không nên nói ra. Và này Bà-la-môn, phàm nói lên điều thấy gì, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, Ta nói rằng điều thấy như vậy nên nói ra. Này Bà-la-môn, phàm nói ra điều nghe gì ... phàm nói ra điều cảm giác gì ... phàm nói ra điều thức tri gì ... các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, Ta nói rằng điều thức tri như vậy không nên nói ra. Và này Bà-la-môn, phàm nói ra điều thức tri gì, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, Ta nói rằng điều thức tri như vậy nên nói ra.

Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần xứ Magadha, hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.

Thảo luận

1. Nếu để lựa chọn một là nói đúng sự thật, hai là vì sự an lạc của người khác thì người Phật tử nên chọn điều nào?

2. Ba yếu tính chân, thiện và mỹ có tìm thấy trong Tam Tạng kinh điển?

3. Phải chăng sự thật nào cũng là chân lý?

4. Phải chăng im lặng là cách tốt nhất khi mà sự thật không thể nói được?

Đố vui

Người ta thường nói "lời thật mất lòng". Cách giải thích nào dưới đây có thể được xem là hợp lý:

a. Không phải sự thật nào cũng là mất lòng. Có những sự thật khi nói lên mang lại niềm hoan hỷ lớn.
b. Lời nói mang tính xây dựng thường không làm người ta vui bằng lời nịnh hót.
c. Cái vui liên hệ tới ngã chấp thường không đúng với lẽ thật
d. Ba câu trên đều đúng

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Ngài Trưởng lão TỊNH SỰ
(1913 - 1984)

Hòa thượng Tịnh Sự, thế danh là Võ Văn Đang, sinh năm Quí Sửu (1913), trong một gia đình có truyền thống Nho giáo, tại một vùng quê miền Nam, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ Ngài là cụ Võ Văn Tỏ, thân mẫu là cụ Trần Thị Thông.

Năm 7 tuổi Ngài đã học chữ Nho. Rất thông minh, Ngài được người đương thời gọi là “Thần đồng Lê Quí Đôn”. Do túc duyên sẵn có từ nhiều đời, đến năm 12 tuổi Ngài xuất gia và thọ giới Sa Di tại chùa Bửu Hưng (Sa Đéc). Thấy Ngài quá thông minh nên Bổn sư đặt pháp danh là Thích Huệ Lực.

Năm 20 tuổi Ngài thọ giới Tỳ kheo tại chùa Kim Huê-Sa Đéc. Đến năm 25 tuổi Ngài được bổ nhiệm về trụ trì tại chùa Phước Định - Chợ Lách. Năm 30 tuổi Ngài trụ trì chùa Viên Giác-Vĩnh Long. Năm 35 tuổi duyên lành đối với Phật giáo Nam Tông đã chín mùi, Ngài được du học tại Chùa Tháp Campuchia, thọ giới theo Phật giáo Nam Tông tại chùa Kùm Pung (Treyloko) ở Trà Pét.

Từ Campuchia Ngài có thiện duyên du học tại Thái Lan, thọ giới Tỳ kheo tại chùa Pakknam Bangkok. Ngài được thầy tế độ ban pháp danh là Tịnh Sự (Santakicco) vì thấy Ngài chuyên tâm hành đạo. Tại xứ Phật giáo Thái Lan này, Ngài đã thực hành hạnh đầu đà, tu thiền Minh Sát và học A Tỳ Đàm (Abhidhamma) trong bảy năm. Rời Thái Lan về Việt Nam, Ngài trở lại trụ trì chùa Viên Giác - Vĩnh Long. Ngài bắt đầu mở mang truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy. Ngài dạy Pháp học A Tỳ Đàm Pàli (Abhidhamma) và Pháp hành Tứ Niệm Xứ.

Muốn cho môn học Abhidhamma được truyền bá rộng rãi nên vào năm 59 tuổi Ngài về trụ trì chùa Siêu Lý - Sài Gòn. Mở trường chuyên dạy về môn Abhidhamma và dịch các bộ sách Giáo Khoa Phật Học như Vi Diệu Pháp Sơ Cấp, Trung Cấp và Chánh Tạng Abhidhamma.

Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ học trò Vi Diệu Pháp. Các thế hệ đệ tử này đã kế thừa sự nghiệp của Ngài truyền bá môn Abhidhamma khắp nơi. Những thế hệ đệ tử Vi Diệu Pháp đầu tiên hiện nay còn những vị tiêu biểu như Đại Đức Giác Chánh, cư sĩ Vĩnh Phúc, cư sĩ Trần Quỳnh Hương đã có công đức duy trì và phát triển môn học Abhidhamma.

Về phương diện đào tạo Tăng tài, Ngài đã từng làm thầy Tế độ truyền giới xuất gia cho hàng trăm Sa Di, Tỳ Kheo. Họ đã tiếp nối được sự nghiệp truyền bá giáo pháp của Ngài một cách tốt đẹp.

Không những chỉ đào tạo Tăng tài mà Ngài còn xây dựng rất nhiều cơ sở tự viện: chùa Viên Giác (Vĩnh Long), chùa Long Linh, chùa Giác Phước, chùa Pháp Độ, chùa Trúc Lâm, chùa Siêu Lý, chùa Thiền Quang 1, chùa Thiền Quang 2.

Điểm nổi bật nhất trong sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng là Ngài đã dịch hoàn thành Tạng luận Pàli tức Tạng Abhidhamma gồm:

1) Bộ Pháp Tụ (Dhammasangani).

2) Bộ Phân Tích (Vibhanga).

3) Bộ Chất Ngữ (Dhà kàthà).

4) Bộ Nhân Chế Định (PuggalaPanntti).

5) Bộ Ngữ Tông (Kàthà Vatthu).

6) Bộ Song Đối (Yamakam).

7) Bộ Phát Trí (Patthana).

Đó là phần chánh tạng Abhidhamma. Sau đây là những dịch phẩm giáo khoa Adhidhamma được giảng dạy tại các trường Phật Học Thái Lan.

1) Vi Diệu Pháp Sơ Cấp.

2) Vi Diệu Pháp Trung Cấp.

3) Vi Diệu Pháp Cao Cấp.

4) Thanh Tịnh Đạo.

5) Diệu Pháp Lý Hợp.

Sự nghiệp đạo pháp của Ngài vô cùng to lớn. Nhất là Ngài đã dành hết đời mình để phiên dịch trọn Tạng Vi Diệu Pháp (Luận Tạng PàLi). Qua công hạnh này, Ngài là một ngôi sao mà càng nhìn chúng ta càng thấy sáng hơn.

Đêm mùng 6 tháng 5 năm Giáp Tý, Ngài thọ bệnh. Nửa đêm hôm ấy Ngài cho gọi Chư Tăng để ban di huấn và gởi lời sám hối đến Tăng chúng gần xa. Rồi Ngài an trú chánh niệm và viên tịch lúc 6 giờ 15' sáng ngày 7 tháng 5 năm Giáp Tý (tức 05-06-1984), hưởng thọ 72 tuổi, hành đạo 52 năm.

Trước khi viên tịch Ngài đã giảng về sự khổ, rồi mỉm cười tắt hơi thở cuối cùng. Ngài ra đi nhưng sự nghiệp đạo pháp của Ngài vẫn còn ở lại với hậu tấn.
Câu chuyện trong ngày 19-6-2010
ĐỨC THẾ TÔN LÀ AI?
Phàm phu nhận thức thần thánh bằng kiến văn giới hạn của mình

(VI) (36) Tùy Thuộc Thế Giới

1. Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona cũng đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona thấy trên những dấu chân của Thế Tôn có dấu bánh xe một ngàn cọng, với vành xe, trục xe và đầy đủ tất cả các tướng khác. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Những dấu chân này không phải là của loài Người!".

2. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, ngồi kiết-già, thân thẳng, đặt niệm trước mặt. Bà-la-môn Dona theo dấu chân của Thế Tôn, thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây đẹp đẽ, khởi lên tịnh tín, các căn tịch tịnh, tâm ý tịch tịnh, đạt được tịnh chỉ do điều phục tối thượng, giống như một con voi được điều phục, được phòng hộ với căn tịch tịnh. Thấy vậy Bà-la-môn Dona liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, thưa với Thế Tôn:

- Có phải thưa Tôn giả, Ngài là vị tiên?

- Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là tiên.

- Có phải thưa Tôn giả, Ngài là Càn-thát-bà?

- Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Càn-thát-bà,

- Có phải thưa Tôn giả, Ngài là Dạ-xoa?

- Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Dạ-xoa.

- Có phải thưa Tôn giả, Ngài là loài Người?

- Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Người.

- Hỏi "Ngài có phải là tiên không?", Ngài trả lời: "Này Bà-la-môn, Ta không phải là tiên". Hỏi "Ngài có phải là Càn-thát-bà không?", Ngài trả lời: "Này Bà-la-môn, Ta không phải là Càn-thát-bà". Hỏi "Ngài có phải là Dạ-xoa không?" Ngài trả lời: "Này Bà-la-môn, Ta không phải là Dạ-xoa". Hỏi "Ngài có phải là loài Người không?", Ngài trả lời: "Ta không phải là loài Người". Vậy sở hành của Ngài là gì và Tôn giả là gì?

3. - Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt dứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ta trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.

4.

Với lậu hoặc chưa đoạn,
Ta có thể là tiên,
Có thể Càn-thát-bà,
Có thể là loài chim
Hay đi đến Dạ-xoa,
Hay vào trong thai người,
Với Ta lậu hoặc tận,
Bị phá hủy, trừ khử
Như sen trắng tươi đẹp
Không bị nước thấm ướt,
Ðời không thấm ướt Ta,
Do vậy Ta được gọi,
Ta là Phật Chánh giác,
Hỡi này Bà-la-môn.

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 18-6-2010
TRI ÂM, TRI KỶ
Chỉ có anh hùng mới thật sự biết anh hùng

(VII) (187) Vassakàra

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, một đại thần nước Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi. Sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi thân hữu, Bà-la-môn Vassakàra, bậc đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:

- Thưa Tôn giả Gotama, bậc không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: "Vị này không phải là bậc chân nhân"?

- Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: "Vị này không phải là bậc chân nhân".

2.- Thưa Tôn giả Gotama, bậc không phải chân nhân có thể biết bậc chân nhân là: "Vị này là bậc chân nhân"?

- Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người chân nhân: "Vị này là bậc chân nhân".

3.- Thưa Tôn giả Gotama, bậc chân nhân có thể biết một bậc chân nhân: "Vị này là bậc chân nhân"?

- Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: "Vị này là bậc chân nhân".

4. - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, có trường hợp một người chân nhân biết một người không phải là chân nhân: "Vị này không phải là bậc chân nhân"?

- Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: "Vị này không phải là bậc chân nhân".

5. - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama, thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật khéo là lời nói này của Tôn giả Gotama: "Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: "Vị này không phải là bậc chân nhân". Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người chân nhân: "Vị này là bậc chân nhân". Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: "Vị này là bậc chân nhân". Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: "Vị này không phải là bậc chân nhân".

6. Một thời, thưa Tôn giả Gotama, hội chúng của Bà-la-môn Todeyya đang nói lên những lời nhiếc mắng người khác như sau: "Ngu si là vua Eleyya, đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện. Lại nữa, những tập đoàn này của vua Eleyya là ngu si, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa. Những người này đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện".

- Này Bà-la-môn, Ông có thấy như thế nào Bà-la-môn Todeyya dẫn dắt chúng bằng cách dắt dẫn này: "Các vị nghĩ thế nào, hiền trí là vua Eleyya? Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, có phải vua Eleyya được xem là vị có minh kiến thù thắng?"

- Thưa vâng, Tôn giả! Hiền trí là vua Eleyya. Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, vua Eleyya được xem là vị có minh kiến thù thắng. Vì rằng Sa-môn Ràmaputta còn hiền trí hơn sự hiền trí, còn có minh kiến thù thắng hơn sự minh kiến thù thắng của vua Eleyya, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích; do vậy vua Eleyya đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện.

- Các Tôn giả nghĩ thế nào "Hiền trí là tập đoàn của vua Eleyya, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa không? Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, có phải tập đoàn của vua Eleyya là những bậc có minh kiến thù thắng?

- Thưa vâng, Tôn giả! Hiền trí là tập đoàn của vua Eleyya, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa. Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, tập đoàn của vua Eleyya được xem là những bậc có minh kiến thù thắng. Vì rằng Sa-môn Ràmaputta được xem còn hiền trí hơn sự hiền trí, còn có minh kiến thù thắng hơn sự minh kiến thù thắng của tập đoàn vua Eleyya, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải thích những vấn đề cần được giải thích; do vậy tập đoàn của vua Eleyya đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện.

7. - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama, thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật khéo là lời nói này của Tôn giả Gotama: "Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải bậc chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: "Vị này không phải là bậc chân nhân". Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải bậc chân nhân có thể biết một người chân nhân: "Vị này là bậc chân nhân". Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: "Vị này là bậc chân nhân". Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: "Vị này không phải là bậc chân nhân".

Thưa Tôn giả Gotama, nay chúng tôi phải đi, chúng tôi có nhiều công việc, có nhiều phận sự phải làm.

- Này Bà-la-môn, Ông hãy làm những gì mà Ông nghĩ là hợp thời.

Rồi Bà-la-môn Vassakàra, một đại thần xứ Magadha, hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.


Thảo luận

1. Từ ngữ "chân nhân -sappurisa" trong kinh điển được định nghĩa thế nào?
2. Thứ bậc cao thấp trong trình độ tâm linh được nói thế nào trong Phật Pháp?
3. Phải chăng người có trình độ càng cao thì càng cô đơn?
4. Bậc thánh có cần người khác "hiểu mình" không?

Đố vui

Nói về bậc thánh nhân, điều nào dưới đây được tìm thấy trong kinh điển Phật giáo

a. Một người tối dạ về sau cũng chứng thánh quả
b. Một người rất "bạc phước' nhưng lại có đủ ba la mật chứng đạo quả
c. Một người rất hung ác về sau lại chứng được thánh quả
d. Cả ba câu trên đều đúng

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 17-6-2010
NGƯỜI THẾ NÀO GỌI LÀ THỨC GIẢ
Nhiều kiến thức không hẳn là thiện tri thức
(VI) (64) Pháp Trí

1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bảy?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là vị biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã, biết ước lượng, biết thời, biết hội chúng, biết người thắng kẻ liệt. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết pháp?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết pháp: Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương quảng. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết pháp: Khế kinh, Ứng tụng... Phương quảng, vị ấy ở đây không được gọi là vị biết pháp. Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết pháp: Khế kinh, Ứng tụng... Phương quảng; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết pháp. Như vậy là biết pháp. Thế nào là biết nghĩa?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: "Ðây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói này". Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: "Ðây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói này", thời ở đây, vị ấy không được gọi là vị biết nghĩa. Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: "Ðây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói này"; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết nghĩa. Ðây là biết pháp, biết nghĩa. Thế nào là tự biết?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự biết; "Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài". Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết tự ngã như vầy: "Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài", thời ở đây, vị ấy không được gọi là vị biết tự ngã. Nếu Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, biết tự ngã: "Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài"; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết tự ngã. Ðây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết. Và thế nào là biết ước lượng?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết ước lượng (vừa đủ) trong khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết ước lượng vừa đủ khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, thời vị ấy ở đây không được gọi là vị biết ước lượng vừa đủ. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết ước lượng vừa đủ khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; do vậy vị ấy được gọi là vị biết ước lượng vừa đủ. Ðây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết, biết ước lượng. Và thế nào là biết thời?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết thời: "Ðây là thời để tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là thời tu tập, đây là thời Thiền tịnh". Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết thời: "Ðây là thời tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là thời tu tập, đây là thời Thiền tịnh", thời ở đây, vị ấy được gọi là không biết thời. Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết thời: Ðây là thời tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là thời tu tập, đây là thời Thiền tịnh"; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết thời. Ðây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết, biết vừa đủ, biết thời. Và thế nào là biết hội chúng?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết hội chúng: "Ðây là hội chúng Sát-đế-lỵ, đây là hội chúng Bà-la-môn, đây là hội chúng Gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây, nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy". Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết hội chúng: "Ðây là hội chúng Sát-đế-lỵ, đây là hội chúng Bà-la-môn, đây là hội chúng Gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây, nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy", thời ở đây, vị ấy không được gọi là "Vị biết hội chúng". Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết hội chúng: "Ðây là hội chúng Sát-đế-lỵ, đây là hội chúng Bà-la-môn, đây là hội chúng Gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây, nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy"; do vậy, được gọi là "Vị biết hội chúng". Ðây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết, biết vừa đủ, biết thời, biết hội chúng. Và thế nào là biết người thắng liệt?

9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo, loài Người được biết theo hai hạng: một hạng ưa thấy các bậc Thánh, một hạng không ưa thấy các bậc Thánh. Người này không ưa thấy các bậc Thánh, do có việc ấy, đáng bị quở trách. Còn người này ưa thấy các bậc Thánh, do việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người nghe diệu pháp: một hạng người ưa nghe diệu pháp, một hạng người không ưa nghe diệu pháp. Hạng người này không ưa nghe diệu pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng người này ưa nghe diệu pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người nghe diệu pháp: một hạng người lắng tai nghe diệu pháp, một hạng người không lắng tai nghe diệu pháp. Hạng người này không lắng tai nghe diệu pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng người này lắng tai nghe diệu pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người lắng tai nghe pháp: một hạng người nghe xong, thọ trì pháp; một hạng người nghe xong, không thọ trì pháp. Người này nghe xong không thọ trì pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Người này nghe xong thọ trì pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người nghe xong thọ trì pháp: một hạng người quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, một hạng người không quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì. Hạng người này không quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, do sự việc ấy, đáng được quở trách. Hạng người này quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì: một hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, đã thực hành pháp; tùy pháp; một hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực hành pháp, tùy pháp. Hạng người này sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực hành pháp, tùy pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng người này sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp đã thực hành pháp; tùy pháp: một hạng người thực hành với mục đích tự lợi, không có lợi tha; một hạng người thực hành với mục đích tự lợi và lợi tha. Hạng người này thực hành với mục đích tự lợi, không có lợi tha, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng người này thực hành với mục đích tự lợi và lợi tha, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo, loài Người được biết theo hai hạng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết hạng người thắng liệt.

Do thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.

Thảo luận

1. Sự phân loại kinh điển thời Đức Thế Tôn tại thế và sau khi Ngài viên tịch khác nhau thế nào?
2. Sự phân biệt các thể loại kinh điển có lợi ích gì cho người học Phật?
3. Biết nhiều có phải là điều trở ngại cho sự tịnh tâm định trí không?
4. Có cách nào để tôi luyện "sự bén nhạy" đối với hoàn cảnh chung quanh?

Đố vui

Có lần Đức Phật nắm một ít lá cây trong tay và dạy rằng những gì Ngài biết như lá trong rừng và những gì Ngài thuyết như lá trong tay vì Đức Phật chỉ dạy những điều liên hệ đến giải thoát. Nhận định nào dưới đây được xem là chính xác với kinh điển:

a. Biết ít thì tu tập dễ dàng hơn
b. Người tu tập nên biết cái đáng biết
c. Biết cái đáng biết không có nghĩa là ít biết
d. Câu b và c đúng

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 16-6-2010
PHỒN VINH GIẢ TẠO
Nhiều người biết cách để làm giàu nhưng ít người biết thế nào là thật sự giàu có

(VII) (7) Ugga

1. Bấy giờ Ugga, vị Ðại thần của vua đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Ugga, vị đại thần của vua, bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Giàu có đến như vậy, đại phú đến như vậy, tài sản nhiều đến như vậy, bạch Thế Tôn, là Migàra Rohaneyyo!

- Này Ugga, Migàra Rohaneyyo giàu có đến mức nào, đại phú đến mức nào, tài sản nhiều đến mức nào?

- Bạch Thế Tôn, về vàng có đến trăm ngàn, còn nói gì về bạc!

- Này Ugga, đây có thể là tài sản chăng? Không phải Ta nói rằng đây không phải là tài sản. Nhưng tài sản ấy bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch. Bảy tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Bảy loại tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối.

Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ tài thứ bảy;
Ai có tài sản này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Người ấy là đại phú
Thiên nhân giới khó thắng
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.

Thảo luận

1. Có phải ý chính của Phật ngôn hôm nay là tiền bạc vật chất hoàn toàn không có giá trị?
2. Bảy thứ tài sản được nêu ra là nhân là là quả?
3. Nếu một người trong mọi hoàn cảnh đều lạc quan tin rằng "mình vốn đã tạo nhiều phước nên không cần phải lo lắng", niềm tin đó có xác đáng không?
4. So sánh giữa tài sản vật chất và tài sản tinh thần thì cái nào khó tạo được?

Đố vui

Có một người đến xin tài sản vật chất nơi Đức Phật, nhưng Đức Phật đã quyết định trao cho di sản chánh pháp. Người đó là:
a. Nanda
b. Kisa Gotamì
c. Rahula
d. Ba câu trên đều đúng

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 15-6-2010
SỰ TU TẬP NÔI TÂM KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI CÓ TRƯỜNG LỚP
Sự giáo dục tâm linh không nhất thíết như sự đào tạo tài năng, kiến thưc

(IX) (39) Sự Thù Diệu (1)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthì, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anathapindika. Bấy giờ Tôn giả Sàriputta vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthì để khất thực. Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: "Thật là quá sớm để đi khất thực ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo". Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

2. Lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: 'Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán'". Rồi Tôn giả Sàriputta không tùy hủy, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: "Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn".

3. Rồi Tôn giả Sàriputta, sau khi khất thực ở Sàvatthì xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthì để khất thực. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Thật là quá sớm để đi khất thực ở Sàvatthì, vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo". Rồi bạch Thế Tôn, con đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi, con ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, ai sống mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: 'Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán'". Rồi bạch Thế Tôn, con không tùy hỷ, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không tùy hỷ, không chỉ trích, con từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: "Ta sẽ rõ biết ý nghĩa này từ Thế Tôn". Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này, có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm chăng?

- Này Sàriputta, trong Pháp, và Luật này, không có thể nêu rõ một Tỷ-kheo đáng được tán thán, hoàn toàn do đếm số năm. Bảy sự thù diệu này, này Sàriputta, sau khi với thắng trí, Ta tự chứng ngộ, chứng đạt, an trú, và tuyên thuyết. Thế nào là bảy?

4. Ở đây, này Sàriputta, Tỷ-kheo tha thiết hành trì học pháp và trong tương lai khát vọng hành trì học pháp; tha thiết quán pháp và trong tương lai khát vọng quán pháp; tha thiết nhiếp phục lòng dục; và trong tương lai khát vọng nhiếp phục lòng dục, tha thiết Thiền tịnh, trong tương lai khát vọng Thiền tịnh; tha thiết tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần tinh tấn; tha thiết niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha thiết thể nhập tri kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến.

Này Sàriputta, bảy thù diệu sự này được Ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, an trú và tuyên thuyết.

5. Thành tựu bảy thù diệu sự này, này Sàriputta, Tỷ-kheo, nếu trong mười hai năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!". Nếu trong hai mươi bốn năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!" Nếu trong ba mươi sáu năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!". Nếu trong bốn mươi tám năm hành trì Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, thật là vừa đủ để nói: "Vị Tỷ-kheo đáng được tán thán!"


Thảo luận

1. Có người nói rằng trong sự tu tập là bỏ tất cả, không nên tha thiết gì hết. Điều đó có đúng với Phật Pháp chăng?
2. Theo Phật Pháp thì có cần tu hành nhiều đời nhiều kiếp để chứng ngộ không?
3. Nói về thời gian và trình tự thì ở phương diện nào tốt với người tu tập, ở phưong diện nào không có giá trị?
4. Nếu một người tu tập không thấy tha thiết với pháp học hay pháp hành thì nên là gì để có sự tha thiết?

Đố vui

Nói về hành trình tu tập, quan điểm nào dưới đây phù hợp với tinh thần của kinh điển:
a. Muốn đắc chứng đạo quả phải tu nhiều đời nhiều kiếp. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thấy được kết quả trong kiếp hiện tại.
b. Đã tu thì phải chứng, chứng ngay trong hiện tại. Trong kinh không nói là các đệ tử Phật tu để chờ kiếp sau đắc đạo.
c. Không ai biết rõ "vốn liếng" mình bao nhiêu nên nếu rằng sẽ đắc đạo kiếp nầy hay kiếp sau là điều không có cơ sở.
d. Trong sự tu tập không nên mong cầu thành quả

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 14-6-2010
LỬA THIÊNG
Tín ngưỡng dân gian và Phật pháp thường có những khác biệt lớn

(IV) (44) Lửa (2)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthì, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một tế đàn lớn đang được thiết lập cho Bà-la-môn Uggatasarìra, năm trăm con bò đực được dắt đến trụ tế đàn, năm trăm con nghé đực được dắt đến trụ tế đàn, năm trăm con nghé cái được dắt đến trụ tế đàn, năm trăm con dê được dắt đến trụ tế đàn, và năm trăm con cừu được dắt đến trụ tế đàn. Rồi Bà-la-môn Uggatasarìra đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Uggatasarìra thưa với Thế Tôn:

- Tôi được nghe như sau, thưa Tôn giả Gotama: "Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn".

- Này Bà-la-môn, Ta cũng có nghe: "Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn".

Lần thứ hai... Lần thứ ba, Bà-la-môn Uggatasarìra thưa với Thế Tôn:

- Tôi được nghe như sau, thưa Tôn giả Gotama: "Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn".

- Này Bà-la-môn, Ta cũng có nghe: "Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn".

- Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng ta đồng một mục đích, Tôn giả Gotama và chúng tôi; thật vậy, chúng ta hoàn toàn đồng nhau.

2. Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Ananda nói với Bà-la-môn Uggatasarìra:

- Này Bà-la-môn, không nên hỏi Như Lai rằng: "Tôi được nghe như sau, thưa Tôn giả Gotama: "Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn". Này Bà-la-môn, cần hỏi Như Lai như sau: "Bạch Thế Tôn, con muốn nhen nhúm ngọn lửa, con muốn dựng lên trụ tế đàn. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết dạy cho con, để con được hạnh phúc an lạc lâu dài!"

3. Rồi Bà-la-môn Uggatasarìra bạch Thế Tôn:

- Thưa Tôn giả Gotama, con muốn nhen nhúm ngọn lửa, con muốn dựng trụ tế đàn. Thưa Tôn giả Gotama, Tôn giả Gotama hãy giáo giới cho con; Tôn giả Gotama hãy thuyết dạy cho con, để con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

- Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi tế lễ đàn, dựng lên ba cây kiếm bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục. Thế nào là ba?

4. Thân kiếm, ngữ kiếm, ý kiếm. Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, khởi lên ý nghĩ: "Chừng ấy con bò đực cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con nghé đực cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con nghé cái cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con dê cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con cừu cần phải giết cho lễ tế đàn". Vị ấy nghĩ rằng: "Tôi làm công đức", lại làm bất thiện; nghĩ rằng: "Tôi tìm con đường đưa đến cõi lành", lại tìm con đường đưa đến cõi dữ. Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ý kiếm thứ nhất, bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.

5. Lại nữa, này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, nói như sau: "Hãy giết chừng ấy con bò đực cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con nghé đực cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con nghé cái cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con dê cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con cừu cho lễ tế đàn.". Vị ấy nghĩ rằng: "Tôi làm công đức", lại làm phi công đức; nghĩ rằng: "Tôi làm thiện", lại làm bất thiện; nghĩ rằng: "Tôi tìm con đường đưa đến cõi lành", lại tìm con đường đưa đến cõi dữ. Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ngữ kiếm thứ hai, bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.

6. Lại nữa, này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, tự mình bắt đầu khởi sự công việc: "Hãy giết các con bò đực cho lễ tế đàn"; tự mình bắt đầu khởi sự công việc: "Hãy giết các con nghé đực cho lễ tế đàn"; tự mình bắt đầu khởi sự công việc: "Hãy giết các con nghé cái cho lễ tế đàn"; tự mình bắt đầu khởi sự công việc: "Hãy giết các con dê cho lễ tế đàn"; tự mình bắt đầu khởi sự công việc: "Hãy giết các con cừu cho lễ tế đàn". Vị ấy nghĩ rằng: "Tôi làm công đức", lại làm phi công đức; nghĩ rằng: "Tôi làm thiện", lại làm bất thiện; nghĩ rằng: "Tôi tìm con đường đưa đến cõi lành", lại tìm con đường đưa đến cõi dữ. Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên thân kiếm thứ ba, bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.

Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ba cây kiếm này, đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.

7. Này Bà-la-môn, ba ngọn lửa này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa. Thế nào là ba?

8. Lửa tham, lửa sân, lửa si. Vì sao, này Bà-la-môn, lửa tham cần phải đoạn diệt, cần phải tránh xa, không nên thân cận?

9. Người bị tham làm cho ái nhiễm, chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy, lửa tham này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận. Và này Bà-la-môn, vì sao lửa sân cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận?

10. Người bị sân làm cho tức giận, chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy lửa sân này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận. Và này Bà-la-môn, vì sao lửa si cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận?

11. Người bị si làm cho mê mờ, chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy lửa si này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận.

Ba lửa này, này Bà-la-môn, cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận.

12. Ba lửa này, này Bà-la-môn, được cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chánh lạc. Thế nào là ba?

13. Lửa đáng cung kính, lửa gia chủ, lửa đáng cúng dường. Và này Bà-la-môn, thế nào là lửa đáng cung kính?

14. Ở đây, này Bà-la-môn, những người mẹ, những người cha của người ấy, này Bà-la-môn, đây gọi là lửa đáng cung kính. Vì sao? Vì từ đó lửa đáng cung kính này khiến cho mang lại, khiến cho sanh ra. Do vậy, này Bà-la-môn, lửa đáng cung kính này được cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chánh lạc. Và này Bà-la-môn, thế nào là lửa gia chủ?

15. Ở đây, này Bà-la-môn, những người con, những người vợ, những người phục dịch, những người đưa tin, hoặc những người làm công cho người ấy, này Bà-la-môn, đây gọi là lửa gia chủ. Do vậy lửa gia chủ này được cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chánh lạc. Và này Bà-la-môn, thế nào là lửa đáng được cúng dường?

16. Ở đây, này Bà-la-môn, những Sa-môn, Bà-la-môn nào từ bỏ kiêu mạn, phóng dật, sống kham nhẫn nhu hòa; mỗi người điều phục tự ngã; mỗi người an chỉ tự ngã; mỗi người lắng dịu tự ngã. Này Bà-la-môn, đây gọi là ngọn lửa đáng được cúng dường. Do vậy lửa đáng được cúng dường này được cung kính, được tôn trọng, đáng được cúng dường, phải đem lại chánh lạc.

Này Bà-la-môn, ba ngọn lửa này được cung kính, được tôn trọng, đáng được cúng dường, phải đem lại chánh lạc.

Còn lửa củi này, này Bà-la-môn, cần phải thường thường nhen đốt nó lên, cần phải thường thường chăm sóc duy trì, cần phải thường thường dập tắt, cần phải thường thường để một bên.

17. Ðược nói như vậy, Bà-la-môn Uggatasarìra bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama hãy nhận còn làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. Và thưa Tôn giả Gotama, con sẽ thả năm trăm con bò đực và cho chúng sống; con sẽ thả năm trăm con nghé đực và cho chúng sống; con sẽ thả năm trăm con nghé cái và cho chúng sống; con sẽ thả năm trăm con dê và cho chúng sống; con sẽ thả năm trăm con cừu và cho chúng sống. Hãy để chúng ăn cỏ xanh; hãy để chúng uống nước mát; hãy để gió thổi chúng mát.

Thảo luận

1. Tại sao có những trường hợp Đức Phật không giáo hoá chúng sanh từ ban đầu mà chờ tới một câu hỏi hay thỉnh cầu thích hợp?
2. Không tin theo những tín ngưỡng dân gian có phải là duy vật chăng?
3. Có thờ phượng thiên nhiên nào như thờ mặt trời, thờ lửa ... được tìm thấy trong kinh điển Phật giáo?
4. Sự thờ cúng lễ bái - puja - trong Phật giáo khác với ngoại giáo ở những trọng điểm nào?

Đố vui

Người ta có câu "Mẹ cha là Phật trong nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu". Câu nói nầy có phù hợp với Phật Pháp không?

a. Đúng vậy. Thờ cha kính mẹ cũng giống như thờ Phật.
b. Cha mẹ là bậc đáng tôn kính cúng dường nhưng không nên nói là cha mẹ và Phật giống nhau
c. Có những so sánh, cân phân không thích hợp. Đây là một thí dụ.
d. Câu b và c đúng

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 13-6-2010
NGHÈO TIỀN NGHÈO BẠC KHÔNG ĐÁNG SỢ BẰNG TINH THẦN NGHÈO NÀN
Giàu hay nghèo không phải chỉ vấn đề tiền bạc

III) (45) Nghèo Khổ

1. - Sự nghèo khổ, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Khi một người khổ không có sở hữu, sống túng thiếu, phải mắc nợ, mắc nợ ấy, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Khi một người nghèo khổ không có sở hữu, sống túng thiếu, sau khi mắc nợ, phải chấp nhận tiền lời. Tiền lời, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Khi một người nghèo khổ, này các Tỷ-kheo, không có sở hữu, sống túng thiếu phải chấp nhận tiền lời, và khi thời hạn đến, không trả được tiền lời, người ta hối thúc, đốc thúc người ấy. Sự thối thúc, đốc thúc, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch thế Tôn.

- Khi một người nghèo khổ, này các Tỷ-kheo, không có sở hữu, sống túng thiếu, bị hối thúc, không trả được, người ta theo sát gót truy tìm người ấy. Bị theo sát gót, bị truy tìm, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Khi một người nghèo khổ, này các Tỷ-kheo, không có sở hữu, sống túng thiếu, bị theo sát gót, bị truy tìm, không trả nợ được, người ta bắt trói người ấy. Sự bắt trói, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Này các Tỷ-kheo, như vậy, nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; mắc nợ cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; tiền lời cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị hối thúc, đốc thúc cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị theo sát gót, bị truy tìm cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị bắt trói cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có lòng sợ hãi trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp; người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu trong Luật của bậc Thánh.

2. Nay chính người ấy, này các Tỷ-kheo, nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu, không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có lòng sợ hãi trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp, làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời, làm ác hạnh về ý nghĩ. Ta gọi người ấy là người mắc nợ. Người ấy do nhân che giấu thân ác hạnh, khởi lên ác dục, muốn rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", suy nghĩ rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", nói rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", cố gắng với tác động về thân, nghĩ rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm". Người ấy, do nhân che giấu ác hạnh về lời... ác hạnh về ý, khởi lên ác dục, muốn rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", suy nghĩ rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", Nói rằng : "Mong rằng không ai biết ta làm", cố gắng với tác động về thân, nghĩ rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm". Ðây Ta gọi rằng: "Tiền lời gia tăng". Và các đồng Phạm hạnh thuần thành nói về người ấy như sau: "Tôn giả này có làm như vậy, có sở hành như vậy". Ðây Ta nói rằng, người ấy bị hối thúc, đốc thúc, rồi đi đến rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, các ác bất thiện tầm, câu hữu với hối lỗi hiện hành. Ðây Ta gọi là bị theo sát gót, bị truy tìm.

3. Nay chính người ấy, này các Tỷ-kheo, nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu, sau khi làm ác hạnh về thân, sau khi làm ác hạnh về lời, sau khi làm ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, bị trói buộc trong trói buộc của Ðịa ngục, bị trói buộc trong trói buộc của loài bàng sanh. Và này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một trói buộc nào khác lại khắc nghiệt như vậy, lại ác liệt như vậy, lại làm chướng ngại như vậy cho sự chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, này các Tỷ-kheo, giống như sự trói buộc Ðịa ngục hay sự trói buộc các loài bàng sanh.

Nghèo khổ và mắc nợ,
Ðược gọi khổ ở đời!
Kẻ bần cùng mắc nợ,
Thọ dụng, bị tổn hại,
Rồi bị người truy lùng,
Cho đến bị trói buộc.
Trói buộc vậy là khổ,
Cho người cầu được dục.
Như vậy trong Luật Thánh,
Ai sống không lòng tin,
Không xấu hổ, sợ hãi,
Quyết định chọn ác nghiệp.
Sau khi làm ác hạnh,
Về thân, lời và ý.
Lại mong muốn được rằng:
"Chớ ai biết ta làm".
Người ấy khéo che giấu,
Với thân, lời và ý,
Làm tăng trưởng ác nghiệp,
Tại đây, đó, làm nữa.
Người ác tuệ, ác nghiệp,
Biết việc ác mình làm,
Như kẻ nghèo mắc nợ,
Thọ dụng, bị tổn hại.
Những tư tưởng khổ đau
Sanh ra từ hối hận
Vẫn truy tìm người ấy,
Ở làng hoặc ở rừng.
Người ác nghiệp, ác tuệ,
Biết việc ác mình làm,
Hoặc rơi vào bàng sanh,
Hoặc bị trói Ðịa ngục.
Trói buộc này là khổ.
Bậc trí được giải thoát,
Ai tâm tịnh bố thí,
Với vật dụng đúng pháp,
Gieo cầu may hai đường,
Tín tại gia tìm cầu,
Hiện tại được hạnh phúc,
Ðời sau được an lạc.
Như vậy tại gia thí,
Tăng trưởng các công đức.
Như vậy trong Luật Thánh
Tín tâm được an trú.
Có xấu hổ, sợ hãi,
Có trí, bảo hộ giới,
Bậc ấy, trong Luật Thánh,
Ðược gọi: "Sống an lạc".
Ðược lạc không vật chất,
An trú trên tánh xả.
Từ bỏ năm triền cái,
Thường siêng năng, tinh cần,
Chứng Thiền định, nhứt tâm,
Thận trọng, giữ chánh niệm.
Biết như thật là vậy,
Ðoạn diệt mọi kiết sử,
Hoàn toàn không chấp thủ,
Chơn chánh, tâm giải thoát,
Với chánh giải thoát ấy,
Nếu trí như vậy khởi:
"Bất động ta giải thoát,
Ðoạn diệt hữu kiết sử".
Trí này, trí tối thượng,
Lạc này, lạc vô thượng,
Không sầu, không trần cấu,
Ðược an ổn, (giải thoát),
Trạng thái không nợ này,
Ðược xem là tối thượng.

Thảo luận

1. Tại sao các bậc cao đức thường từ bỏ của cải vật chất để vào rừng sâu núi thẳm tu tập?
2. Nghèo là một cái khổ vậy giàu có phải là giải pháp không?
3. Một người nghèo và một người mang nhiều nợ nần giống nhau hay khác nhau?
4. Phải chăng sự giàu có tiền bạc và sự giàu có tinh thần không thể song hành?

Đố vui

Điều nào đưới đây được xem là họp với lý lẽ của một bậc trí:

a. Càng giàu có càng tự tại thảnh thơi
b. Người tu mà có phước có đức thì cũng tu trong sự giàu có vật chất
c. Hễ vật chất mà nghèo thì tinh thần sung mãn
d. Ba câu trên, với bậc trí, đều là những nhận định không chính xác

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 12-6-2010
CÓ THÌ CÓ TỰ MẢY MAY
Rất khó đo lường hết sự biến hoá của tâm ý

(XI) (41) Ðống Gỗ

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha, tại núi Gijjhakùta. Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát cùng với số đông Tỷ-kheo, từ núi Gijjhakùta đi xuống. Tôn giả thấy tại một chỗ nọ, một đống gỗ to lớn, thấy vậy liền nói với các Tỷ-kheo:

- Này các Hiền giả, các Hiền giả có thấy đống gỗ to lớn ấy không?

- Thưa Hiền giả, có thấy.

2. - Nếu muốn, này các Hiền giả, một Tỷ-kheo có thần không, đạt được tâm tự tại có thể quán (Tập Sớ Sallakkheyya: Thắng giải, thiên về, hướng về) đống gỗ ấy thành địa đại. Vì cớ sao? Vì rằng có địa giới trong đống gỗ lớn ấy, y tựa theo đó, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại có thể quán đống gỗ ấy thành địa đại.

3. Nếu muốn, này các Hiền giả, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại, có thể quán đống gỗ lớn ấy thành nước... thành lửa... thành gió... thành tịnh... thành bất tịnh. Vì cớ sao? Vì rằng có bất tịnh trong đống gỗ lớn ấy, y tựa theo đó, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại, có thể quán đống gỗ ấy thành bất tịnh.

Thảo luận

1. Câu nói "nhất thế pháp duy tâm tạo" có tìm thấy trong kinh điển Pali không?
2. Ngoài thần thông, còn có chuyện nào khác cho thấy sự hoạt dụng vô cùng của tâm thức?
3. Những biến hoá lớn hay nhỏ do tâm thức là "ảo" hay "thật"?
4. Làm thế nào để vận dụng một cách cụ thể khả năng vô cùng của nội tâm?


Đố vui

Câu thơ "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" nói lên điều nào dưới đây:

a. Thế giới chung quanh ta tạo nên bởi tâm của mình
b. Sự cảm nhận thế giới bên ngoài bị ảnh hưởng bởi trạng thái của tâm
c. Sự hiện hữu của mỗi chúng sanh là sản phẩm của nhận thức
d. Ba câu trên đều sai

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 11-6-2010
THẤY VẬY KHÔNG PHẢI VẬY
Có rất nhiều vấn đề tế nhị không phải chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá

(II) (44) Migasàlà

1. Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của nữ cư sĩ Migasàlà; sau khi đến, ngồi trên ghế đã soạn sẵn. Ngồi xuống một bên, nữ cư sĩ Migasàlà thưa với Tôn giả Ananda:

2.- Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): "Cả hai sống Phạm hạnh và sống không phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai? " Puràna, thân phụ của con, thưa Tôn giả, sống Phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt, khi mệnh chung được Thế Tôn trả lời: "Là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusità ( Ðâu-suất)". Còn Isidatta, cậu của con, thưa Tôn giả, sống không Phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung được Thế Tôn trả lời: "Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusità". Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): "Cả hai sống Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai"?

- Này Chị, như vậy là câu trả lời của Thế Tôn.

3. Tôn giả Ananda sau khi nhận đồ ăn khất thực tại nhà của nữ cư sĩ Migasàlà, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi. Rồi Tôn giả Ananda, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng con đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của nữ cư sĩ Migasàlà, sau khi đến, con ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Nữ cư sĩ Migasàlà đi đến con, sau khi đến, đảnh lễ con rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, nữ cư sĩ Migasàlà thưa với con: "Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): "Cả hai sống Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai". Puràna thân phụ con, thưa Tôn giả, sống Phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt, khi mệnh chung, được Thế Tôn trả lời: "Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusità". Còn Isidatta, cậu của con, thưa Tôn giả, sống không Phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung, được Thế Tôn trả lời: "Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusità". Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai"? "Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con nói với nữ cư sĩ Migasàlà: "Này Chị, như vậy là câu trả lời của Thế Tôn".

- Nhưng này Ananda, ai là nữ cư sĩ Migasàlà lại ngu si, kém thông minh, với thân như bà mẹ, với trí như bà mẹ, để có thể hiểu biết sự thắng liệt giữa các người? Này Ananda, có sáu hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là sáu?

4.- Ở đây, này Ananda, có người khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị ấy nghe Pháp không có tác động, học nhiều không có tác động, không thể nhập vào tri kiến, không chứng đắc thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi về thù thắng.

5. Ở đây, này Ananda, có người khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị ấy nghe Pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập vào tri kiến, có chứng đắc thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi về thối đọa. Ở đây, này Ananda, những kẻ đo lường đo lường như sau: "Những pháp ấy của vị này là như vậy, những pháp ấy của vị kia là như vậy; làm sao trong những hạng người này, có người hạ liệt, có người là thắng diệu? Và do sự đo lường ấy, này Ananda, đối với những người đo lường là không hạnh phúc, là đau khổ lâu dài. Ở đây, này Ananda, hạng người này, khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị này nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, thể nhập được vào tri kiến, chứng được thời giải thoát. Hạng người này, này Ananda, so sánh với hạng người trước là tiến bộ hơn, là thắng diệu hơn. Vì cớ sao? Vì dòng pháp đưa người này ra phía trước. Nhưng ai ngoài Như Lai có thể biết được sự khác biệt? Do vậy, này Ananda, chớ có là người đo lường các hạng người. Chớ có lấy sự đo lường của các hạng người. Này Ananada, tự đào hố cho mình là người đi lấy sự đo lường của các hạng người. Chỉ có ta, này Ananda, mới có thể lấy sự đo lường của các hạng người, hay là người như Ta.

6. Ở đây, này Ananda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng các tham pháp khởi lên; với người này, nghe pháp không có tác động, học nhiều không có tác động, không thể nhập tri kiến, không chứng được thời giải thoát. Hạng người này sau khi thân hoại mạng chung hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi về thù thắng.

7. Ở đây, này Ananda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng các tham pháp khởi lên; với người này, nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập tri kiến, có chứng được thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa...

8. Nhưng ở đây, này Ananda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng khẩu hành khởi lên; với người này, nghe pháp không có tác động, học nhiều không có tác động, không thể nhập tri kiến, không chứng được thời giải thoát. Hạng người này sau khi thân hoại mạng chung hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi đến thù thắng.

9. Ở đây, này Ananda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng khẩu hành khởi lên. Với người này, nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập tri kiến, chứng được thời giải thoát. Hạng người này sau khi thân hoại mạng chung hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa. Ở đây, Này Ananda, những kẻ đo lường đo lường như sau: "Những pháp ấy của vị này là như vậy; những pháp ấy của vị kia là như vậy. Làm sao trong những hạng người là hạ liệt, cò người là thắng diệu?" Và sự đo lường ấy, này Ananda, đối với những người đo lường là không hạnh phúc, là đau khổ lâu dài.

Ở đây, này Ananda, hạng người này khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị này nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, thể nhập được vào tri kiến, chứng được thời giải thoát. Hạng người này, này Ananda, so sánh với hạng người trước là tiến bộ hơn, là thắng diệu hơn. Vì cớ sao? Vì dòng pháp đưa người này ra phía trước. Nhưng ai ngoài Như Lai có thể biết được sự khác biệt? Do vậy, này Ananda, chớ có làm người đo lường các hạng người. Chớ có lấy sự đo lường của các hạng người. Này Ananda, tự đào hố cho mình là người đi lấy sự đo lường của các hạng người. Chỉ có Ta, này Ananda, mới có thể lấy sự đo lường của các hạng người này hay là người như Ta.

Và này Ananda, ai là nữ cư sĩ Migasàlà, lại ngu si, kém thông minh, với thân như bà mẹ, với trí như bà mẹ, để có thể biết sự thắng liệt giữa các người? Này Ananda, có sáu hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Giới như thế nào, này Ananda, Puràna được thành tựu, giới ấy Isidatta chưa thành tựu. Do vậy ở đây, Puràna có sanh thú khác với sanh thú của Isidatta. Tuệ như thế nào, này Ananda, Isidatta được thành tựu, tuệ ấy Puràna chưa thành tựu. Do vậy ở đây, Isidatta có sanh thú khác với sanh thú của Puràna. Như vậy, này Ananda, cả hai người này đều có thiếu sót một chi phần.

Thảo luận

1. Trong kinh điển Palì có nói gì về hiện tượng "bồ tát nghịch hành" không?
2. Sau khi Đức Phật viên tịch rồi y cứ trên cơ sở gì để gọi một vị tỳ kheo là "thánh tăng"?
3. Có gì khác biệt rõ ràng giữa một bậc dự lưu và một người bình thường?
4. Chúng ta thường nghe: giới năng sanh định, định năng sanh tuệ. Vậy chúng ta hiểu sao khi Isidatta thành tựu tuệ mà giới chưa thành tựu nhu Purana?

Đố vui

Những điều nào dưới đây đúng với những gì được dạy trong kinh điển:

a. Bậc dự lưu không có sự khuất lấp trong hành động của mình
b. Một người phẩm hạnh rất trang nghiêm không nhất thiết là một bậc thánh
c. Một bậc thánh chắc chắn không làm điều ác nhưng một người không làm điều ác không nhất thiết là một thánh nhân
d. Cả ba câu trên đều đúng

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Câu chuyện trong ngày 10-6-2010
VƯỢT KHỎI THƯỜNG TÌNH
Một người có trí hiểu rằng có những thứ cao quí hơn cái tầm thường trong cuộc sống

(X) (30) Trên Tất Cả

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp vô thượng này. Thế nào là sáu?

2. Thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng, tùy niệm vô thượng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thấy vô thượng?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi xem voi báu, đi xem ngựa báu, đi xem châu báu, hay đi xem các vật lớn nhỏ, hay đi xem Sa-môn, hay Bà-la-môn có tà kiến, có tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có phải là thấy không? Ta nói rằng: Ðây là không thấy". Sự thấy ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai đi yết kiến Thế Tôn hay đệ tử Thế Tôn, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là thấy vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là đi yết kiến Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thấy vô thượng, đây là thấy vô thượng. Còn nghe vô thượng là gì?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi nghe tiếng trống, đi nghe tiếng sáo, đi nghe tiếng ca, hay đi nghe tiếng cao thấp khác nhau, hay đi nghe pháp các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có phải là nghe không? Ta nói rằng: "Ðây là không nghe". Sự nghe ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai đi đến để nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là sự nghe vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là đi nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghe vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng. Còn lợi đắc vô thượng là gì?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được con, được vợ, được tài sản, được các vật cao thấp khác nhau, được lòng tin vào các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có lợi đắc hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không lợi đắc". Lợi đắc ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai được lòng tin vào Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là đắc lợi vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là được lòng tin vào Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đắc lợi vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, đắc lợi vô thượng. Còn học tập vô thượng là gì?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người học tập về voi, học tập về ngựa, học tập về xe, học tập về cung pháp, học tập về kiếm pháp, học tập về các nghề cao thấp sai biệt hay học tập theo các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có học tập hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không học tập". Học tập ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai học tập Tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, đây là học tập vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là học tập Tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là học tập vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng. Còn phục vụ vô thượng là như thế nào?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người phục vụ Sát-đế-ly, phục vụ Bà-la-môn, phục vụ gia chủ, phục vụ các người cao thấp sai biệt hay phục vụ Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có phục vụ hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không phục vụ". Phục vụ ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai phục vụ Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, đây là phục vụ vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là phục vụ Như Lai hay đệ tự Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phục vụ vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng. Và thế nào là tùy niệm vô thượng?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tùy niệm được con, tùy niệm được vợ, tùy niệm được tài sản, tùy niệm được cao thấp sai biệt hay phục vụ Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có tùy niệm hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không tùy niệm". Tùy niệm ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai tùy niệm Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, tùy niệm ấy là vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là tùy niệm Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin được an trú, với lòng ái mộ được an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tùy niệm vô thượng.

Này các Tỷ-kheo, có sáu tùy niệm này:

Ai được thấy tối thắng,
Và được nghe vô thượng,
Ðược lợi đắc vô thượng,
Vui học tập vô thượng,
An trú trong phục vụ,
Tu tập chuyên tùy niệm,
Liên hệ đến viễn ly,
Ðạt an ổn, bất tử,
Hoan hỷ, không phóng dật,
Thận trọng, hộ trì giới,
Khi thời đã chín muồi
Ðau khổ được đoạn tận.